Truyện ngắn: Bức tranh nhiều mảng màu

Thương Hà| 15/08/2014 09:53

Tôi nhận lời tới dự bữa cơm thân mật với gia đình chú Đàn, cô Sa nhân việc đứa con đầu của họ được Nhà máy Thủy điện chính thức nhận vào làm việc. Bữa ăn đúng nghĩa là bữa cơm thân mật thật vì đồ ăn, thức uống đều là của nhà.

ADQuảng cáo

Thịt gà, rau vườn, kể cả rượu ngâm chuối hột cũng do cô, chú ấy tự nuôi, trồng, làm ra; khách khứa thì chỉ có mấy người hàng xóm, quen biết nhau cả. Suốt từ lúc gặp đến cả trong bữa ăn, hai vợ chồng chủ nhà cứ nhắc đi, nhắc lại với tôi: “Chúng em ơn bác nhiều lắm. Không có bác giúp thì chúng em chả có ngày hôm nay”. Đàn chỉ tay về bức tranh to treo trên vách có ghi dòng chú thích: “Bình minh trên hồ Thủy điện” khoe với chúng tôi: "Thằng Bi nó mua bằng tiền lương của nó đấy. Đẹp không các bác. Cháu của các bác thế mà cũng lãng mạn ra phết”. Sa tay bưng ly rượu, mắt “nguýt” chồng, miệng đon đả: “Gớm! Lại “bốc” nữa đây. Nào, ba mày không mời thì để tôi mời này. Dạ! Em xin mời các bác một ly mừng cho cháu, cho gia đình chúng em ạ!”.

***

Gần ba chục năm trước, với học lực khá nên Đàn thi đậu vào Đại học bách khoa Đà Nẵng. Con nhà nghèo, Đàn đi học đại học với một suy nghĩ thật đơn giản: Vừa học, vừa đi làm kiếm tiền để ăn học. Quả thật, dù đã chi tiêu tằn tiện đến mức “keo kiệt”, nhưng số tiền còm cõi mà ba má gửi cho hàng tháng cũng không đủ, nên Đàn tính chuyện đi làm thêm. Nhưng mà, ở cái thời điểm cả đất nước đều khó khăn thì biết kiếm việc gì làm ra tiền đây. Khảo sát, nghiên cứu mãi, Đàn thấy làm nghề “xe đạp thồ” có lẽ là phù hợp nhất. Mua chịu của cửa hàng bán xe cũ một chiếc xe đạp gióng ngang, hàng ngày, cứ chiều chiều, tan giờ học, Đàn lại ra Bến xe liên tỉnh chờ đón khách. Chủ nhật, Đàn “trực” ở đây cả ngày. Cái nghề “xe đạp thồ” mất nhiều sức lực, mà thu nhập chẳng được là bao vì ít khách. Có hôm, Đàn chờ, trực, mời mọc cả buổi tối chẳng được khách nào. Có hôm, gặp khách “to như cái thùng phi”, lại yêu cầu đưa đi trên đoạn đường dốc, đã phải xuống dắt bộ mà vẫn phải “thở bằng lỗ tai”; khi nhận tiền công, lại còn bị la rầy nữa.

Minh họa: Ngọc Tâm

Cực nhọc, Đàn không nề hà, nhưng điều mà Đàn không thể ngờ được là trong đời sống xã hội luôn có những cạm bẫy vô hình đón đợi những “con thú khờ dại” đi qua. Và đến một ngày kia, Đàn đã là một trong những “con thú khờ dại” ấy. Một buổi sáng chủ nhật, một người khách đến thuê chở cả đi lẫn về tới một địa điểm ở ngoại ô. Đó là một tụ điểm đánh bạc bằng hình thức đá gà. Đã hẹn chờ khách nên Đàn ở lại xem. Xế chiều, “trường gà” bị lực lượng công an vây bắt. Đàn cũng bị bắt, đưa về đồn công an nhốt một đêm, xe đạp bị tịch thu… Danh tính của Đàn được báo về Trường Đại học. Mấy tuần sau, Đàn nhận quyết định đuổi học. Mắc cỡ, không dám về quê, Đàn lên Tây Nguyên, tìm đến một người chị họ xa. May cho Đàn, vợ chồng anh chị là người tốt bụng, khuyên bảo những điều hay, lẽ phải; thương hoàn cảnh nghèo lại sa cơ, lỡ bước nên cho nương náu, sau đó cho mượn một chiếc xe máy để hành nghề xe ôm.

Và rồi, ở cái “quê thứ hai” này, Đàn đã gặp Sa…

***

Sa theo ba má đi kinh tế mới từ khi còn đang học tiểu học. Năm lên mười thì ba má ly thân vì ba có “bồ”. Oái oăm, “bồ” của ba lại chính là em họ mà má Sa đã đưa từ quê vào nuôi, làm công trong nhà. Hận tình, hận đời, má dắt Sa âm thầm bỏ nhà ra đi. Lên phố, má vào làm thuê, rửa bát, đĩa, lau dọn nhà cửa cho quán ăn, còn Sa thì ở giữ con, giúp việc nội trợ cho một gia đình có tiệm buôn bán hàng vải ở chợ. Hai má con ở cách nhau mấy cây số, mấy tháng mới có dịp gặp nhau. Mỗi lần gặp, má chỉ ôm lấy Sa rồi khóc.

Sáu năm sau, từ một con bé nhà quê cóc cách, cọc cạch, Sa đã lớn nhanh, phổng phao như một thiếu nữ trưởng thành. Hàng ngày, những lúc dọn dẹp sân, vườn cho chủ, nhìn ra ngoài ngõ, Sa thấy trên vỉa hè ở ngã tư trước cửa nhà có một “gã” xe ôm còn trẻ hay liếc nhìn mình. “Gã” ấy chính là Đàn. Rồi một hôm, Sa được chủ nhà sai đi đâu ấy, mà lại muốn mau về nên bảo đi xe ôm cho nhanh. Thế là họ có dịp gặp nhau. Trên đường đi, về, họ đã có vài lời hỏi thăm nhau về hoàn cảnh gia đình. Từ ấy, thi thoảng có dịp Sa rảnh việc mà Đàn không có khách, họ lại tìm cớ để được gặp, trò chuyện với nhau… Dần dà, họ cảm thấy dường như mỗi ngày không được nhìn thấy nhau, không được nói với nhau vài câu là như thiêu thiếu cái gì đó không thật rõ ràng, khó nói ra cụ thể…

***

Bữa kia, Đàn đã lên xe, nổ máy để chở một người khách đi theo yêu cầu của họ, thì chợt nghe trong nhà nơi Sa ở có tiếng la hét của Sa, rồi như có tiếng đấm, đá, tiếng đồ vật rơi… Linh tính có chuyện không lành, Đàn quên cả người khách, vứt xe, chạy lại phía căn nhà ấy. Vừa tới cổng thì Sa từ trong nhà lao ra, quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù… Sa ôm lấy Đàn mà khóc: “Anh ơi! Cứu em! Lão già ấy khốn nạn quá, định hại đời em …”. Trong nhà, vọng ra tiếng quát của người đàn ông: “Con bé này! Kiếp người đi ở mà không biết điều à! Không nghe lời ông thì cút khỏi nhà ông…”. Đàn không nói, vì đã hiểu mọi chuyện vừa xảy ra. Đưa nhau vào một quán nước vỉa hè ở con phố khác, gọi một chai nước ngọt, dỗ dành cho uống, đợi cho Sa nguôi ngoai, hết cơn nấc uất nghẹn, Đàn mới hỏi: “Thế em định thế nào?”. Sa: “Em không biết thế nào nữa, nhưng không thể về cái nhà ấy nữa. Cực nhục, ê chề lắm anh ạ. Em ở cho họ gần chục năm, làm quần quật mà công lênh có bao nhiêu. Bây giờ, “lão” chủ ấy lại muốn giở trò đồi bại này. May là em thoát ra được…”. Đàn đưa Sa về giới thiệu với anh chị, xin cho Sa được tá túc vài ngày...  

ADQuảng cáo

Rồi từ ấy, hai mảnh đời khốn khó ghép lại với nhau… thành một gia đình.

***

Khi tôi là hàng xóm của họ thì họ đã có với nhau ba đứa con. Cả hai người đã đi làm công nhân, nhân viên cho một vài xí nghiệp, đơn vị; nhưng khi thì gặp chỗ lương thấp, khi thì doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể… Cuối cùng, Đàn lại quay về với “nghề” chạy xe ôm, còn Sa thì đi lượm ve chai, nhôm nhựa. Dù vậy, họ cũng dành dụm được chút ít, mua miếng đất và dựng căn nhà nhỏ để ở. Với năm miệng ăn, mà thu nhập thì bấp bênh, nên đời sống hàng ngày của họ vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm. Thế nhưng, bù lại, họ vẫn quan tâm đến việc học của những đứa con. Có lần, Đàn nói với tôi: "Em vì hoàn cảnh mà không được học, khổ lắm. Bây giờ, em không muốn con em phải khổ nữa. Có đói cũng phải cho nó học đại học bác ạ”. Còn Sa thì có những khi vui chuyện với những người bạn cùng nghề cũng có vẻ tự mãn: “Em không được học, dốt đã đành; nhưng con của em nó mang “gien” ba nó chứ. Nhất định nó phải đi học đại học…”. Thi thoảng rảnh, tôi cũng qua nhà họ chơi; qua tìm hiểu sơ bộ thì các cháu cũng chỉ có lực học trung bình khá. Thú thực, nhiều lúc tôi cứ nghĩ thương cho họ: Học lực thế này, nhà lại nghèo mà cứ ham đi học đại học thì cũng “phiêu” lắm…

Khi thằng Bi (tên thường gọi ở nhà của thằng con đầu của họ) học lớp mười hai, cả nhà đã mấy phen tranh luận nhau đến mức trở thành cãi nhau về chuyện nên hướng cho con đi học đại học gì. Đàn thì bảo bây giờ thời đại công nghiệp rồi, nó phải đi học ngành kỹ thuật như giao thông, bách khoa, thậm chí là kiến trúc ấy chứ. Còn Sa thì cũng chả kém, lúc nào cũng cứ “tìm ngành gì nhàn nhàn, làm có nhiều tiền như tài chính, ngân hàng mà học con ạ”. Đôi khi hứng chí, họ lại còn tranh nhau “định hướng” cho con nào là an ninh, công nghệ sinh học, kinh tế đối ngoại nữa… Đến kỳ, thằng Bi cũng nộp hồ sơ; nó đăng ký thi vào Đại học Công nghiệp… Nhận điểm báo thi, cả nhà… buồn so vì nó chỉ được mười hai điểm; trong khi đó, điểm sàn là mười bốn, điểm đậu vào trường là mười bảy… Vẫn nuôi hi vọng cho con đi học đại học, ba má nó hỏi thăm người này, người nọ để “chạy” nhưng không được, nên quyết định cho đi học đại học dân lập.

 Thằng Bi đi học. Lần đầu tiên ra thành phố lớn, thấy cái gì cũng lạ, cũng hay. Lúc đầu thì nó cũng chỉ đứng xem vì tính tò mò, sau rồi nó thử, sau nữa rồi nó …mê. Nào là trò chơi điện tử, nào là đánh bài, rồi cá độ bóng đá, rồi biết dùng cả cà phê, hút thuốc lá, uống rượu… Hàng tháng, đủ các loại tiền học, tiền ăn, ở, tiền… chơi, nó “xài” bằng chi phí của cả nhà. Tháng nào, Sa cũng phải đi vay tiền gửi cho con. Bao nhiêu thứ ba má sắm cho như xe máy, máy tính, điện thoại… nó chuyển ra gửi ở tiệm cầm đồ hết. Biết con hư, nhưng vì “sĩ” nên cả Đàn lẫn Sa đều giấu nhẹm, vẫn âm thầm chiều con, cung phụng cho con, với một hi vọng rất mơ hồ… Chiều con được hai năm thì họ không chịu nổi, phải đưa nó về. Từ ấy, hai vợ chồng cứ luôn “mặt nặng, mày nhẹ” với nhau.

Biết chuyện, tôi cùng nhiều người cùng xóm đã tới thăm và khuyên giải họ là nên cho cháu đi học nghề ở Trường Cao đẳng nghề. Lúc đầu, họ không đồng tình vì cả hai vợ chồng đều vẫn ôm mộng lớn là phải cho con vào học đại học. Nhưng sau nghe tôi phân tích thiệt, hơn về những khó khăn trong việc chu cấp cho con đi học, việc học lực của con, rồi tìm việc làm sau khi ra trường; nhất là khi tôi kể tên mấy người trước đây vì hoàn cảnh, họ cũng làm công nhân, nhân viên, sau đấy mới đi học; bây giờ cũng giỏi giang, đang là quan chức, là doanh nhân thành đạt đấy; rồi thì cũng động viên: Nếu cháu có chí thì sau này nó vẫn đi học đại học được, có muộn đâu … thì  họ cũng xuôi.

***

Thấm thoắt đã hai năm trôi qua, kể từ khi thằng Bi vào Trường Cao đẳng nghề. Trường có ký túc xá, có bếp ăn nên nó không phải ở trọ, ngày ba bữa ăn cơm như ở nhà. Ngoài ra, thi thoảng mới có khoản đóng góp cho quĩ lớp, chi đoàn nên cũng không đến nỗi tốn kém lắm. Hơn nữa, do mức độ đòi hỏi trình độ văn hóa đối với học viên học nghề cũng không cao, nên với học lực ở phổ thông loại trung bình khá thì thằng Bi trở thành học sinh giỏi. Qua học kỳ một, nó được bầu vào ban cán sự lớp; Đại hội Chi đoàn, nó được bầu làm Bí thư; cuối năm học nó được nhận học bổng nữa… Mấy tháng trước, lớp của nó mãn khóa, có mấy doanh nghiệp đến tuyển dụng, tất cả học sinh được nhận hết. Nó có giấy chứng nhận học sinh giỏi nên được Nhà máy lớn nhận ngay; hết thời gian thử việc, được tuyển chính thức rồi, nghe nói lương tháng mấy triệu, lại còn được cử làm “nhóm” trưởng  nữa…

**

Không phải đến lúc nghe Đàn nói, mà ngay từ lúc vào nhà, tôi đã chú ý đến bức tranh mới được treo trên tường này rồi. Bức tranh đẹp thật; một hồ nước mênh mang giữa rừng cây; phía đằng đông, mặt trời vừa ló lên làm cho nước với trời có nhiều mảng màu, nhưng thật hài hòa, sống động. Ngắm bức tranh, tôi lại nghĩ, hay là có phải mỗi khi vui, người ta thấy mọi thứ xung quanh dường như  đẹp hơn những ngày khác…

Bây giờ thì cả nhà họ đang vui và niềm vui riêng ấy cũng đã lan sang cả chúng tôi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Bức tranh nhiều mảng màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO