Truyện ngắn: Biển gọi

Thương Hà| 13/06/2014 09:24

Những cây phượng đã đơm hoa đỏ rực cả một khoảng trời ở sân trường, gửi đến nhân gian bức thông điệp quen thuộc hằng năm: Hè đã đến. Nhìn những cánh hoa rơi đỏ lối đi, Lý không khỏi bồn chồn. Lên đây dạy học mấy năm rồi, chưa có hè nào, cô lại mong nó đến sớm đến vậy. Cũng phải thôi, mùa hè này, cô đang “ấp ủ” bao dự định của tương lai…

ADQuảng cáo

Lý quê ở một thị trấn vùng duyên hải. Nơi ấy có một cửa sông, một bến cảng nhỏ, là nơi tàu cá của ngư dân về neo đậu,vừa là nơi cho các loại tàu khác như tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư … về khi đổi ca. Sinh ra, lớn lên ở đây, Lý yêu quê hương của mình và ước mơ nghề dạy học, nên sau khi học hết cấp phổ thông trung học, cô đã thi và học ngành sư phạm tiểu học. Thế nhưng, khi ra trường, ở quê thì chờ được tuyển vào làm cô giáo cũng không dễ; trong khi đó, trên cao nguyên đang còn thiếu giáo viên. Thế là cô gửi hồ sơ dự tuyển.

Nơi Lý nhận công tác là trường tiểu học ở một xã vùng sâu, thuộc huyện miền núi. Hôm đầu vào nhận việc, cô đã bật khóc, định xách va ly quay về ngay. Đường từ huyện vào toàn bùn đất, trầy trụa sau cơn mưa. Người lái xe ôm phải “vã mồ hôi” mới giữ cho xe khỏi té. Trường thì chỉ có mấy dãy nhà tạm, với những vách gỗ long đinh, sệ xuống, để gió thổi vào lồng lộng;  mái thì lợp bằng lá, nhưng hở nhìn thấy trời. Dân cư ở đây ít, có ba thành phần chính, nhiều nhất là người dân tộc tại chỗ; thứ hai là người dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư vào; thứ ba mới là người Kinh. Bởi thế, nghe giáo viên cũ nhận mình là người dân tộc thiểu số; cô không hiểu gì cả. Sau mới nhận ra là người Kinh ở đây ít, thế thì là “thiểu số” mà. Điểm chung của người dân ở đây là đời sống vật chất còn thiếu thốn và con em đồng bào dân tộc thiểu số không sõi tiếng Việt. Nét riêng là học sinh người dân tộc tại chỗ, nhà  ở gần trường nhưng không thích đi học; còn học sinh người dân tộc các tỉnh phía Bắc thì thích đi học, nhưng nhà lại ở xa trường quá. Có em, nhà ở cách trường tới năm, bảy cây số, mà đường tới trường chỉ là lối mòn trong rừng, trên nương rẫy thôi. Vì thế, để có học sinh đến lớp, đối với học sinh người dân tộc thiểu số tại chỗ; các thầy giáo, cô giáo trong trường phải cùng với cán bộ bon, thôn đi đến từng gia đình tuyên truyền vận động. Còn đối với học sinh người dân tộc phía Bắc, các thầy cô giáo phải cùng với phụ huynh vào rừng chặt tre nứa về dựng những căn nhà tạm trong vườn trường làm nhà lưu trú cho các em, để “giữ chân” các em. Khó khăn, thiếu thốn trong sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa này là vậy, nhưng cũng không làm nản lòng các thầy cô giáo ở đây. Thế nên sau những ngỡ ngàng ban đầu, Lý “bắt nhịp” ngay với điều kiện hiện tại để thực hiện ước mơ của mình là được đứng trên bục giảng. Công việc hàng ngày cứ cuốn hút Lý. Nhưng vào những ngày cuối tuần, học sinh không đến lớp; các em ở trong những lán tạm về nhà thăm bố mẹ, lấy thêm gạo; các anh, chị đồng nghiệp thì phần lớn có nhà ở huyện, ở tỉnh… cũng kéo nhau về; khu nhà công vụ chỉ còn lại một mình Lý… Những lúc ấy, cô nhớ nhà, nhớ quê  kinh khủng…

Cùng học phổ thông, thân với Lý nhất là Mơ. Thế nhưng “hoài bão” và việc thực hiện “hoài bão” của Mơ lại quá đơn giản. Học xong, cô xin đi học nghề rồi làm công nhân ở Hợp tác xã dệt thảm ở ngay gần nhà, rồi lấy chồng, rồi sinh con… Có gia đình rồi, hết là “trẻ con”; nhưng được cái tình bạn với Lý thì vẫn giữ nguyên như vậy; vẫn thân thiết, vẫn quan tâm thăm hỏi, tâm sự cùng nhau đều đều. Một bữa, Mơ gọi điện lên hỏi: "Tao hỏi thật, lên đấy mấy năm rồi, mày có “bồ” chưa?”. Nghe bạn hỏi, Lý hơi chạnh lòng: “Ở đây thì có ai mà “bồ”. Cán bộ, giáo viên thì đông nhưng chủ yếu là nữ; cán bộ xã, cán bộ lâm trường thì ai cũng có phận, có phần rồi. Chắc tao ở vậy”. Mơ: “Thế thì để tao làm mai cho một chàng Kiểm ngư nhé. Ảnh cùng đơn vị với ông xã tao. Còn trẻ, cũng đẹp trai, mà hình như gia đình đâu gần trên chỗ mày đang dạy học đấy”. Lý  băn khoăn: "Nhưng mà xa xôi, cách trở thế, làm sao gặp nhau được. Với lại, người ở trên rừng, người ở dưới biển, liệu có đến được với nhau”. Mơ cáu: “Mày thì chỉ quen thói “cẩn tắc”. Chưa chi đã ngại khó rồi. Bây giờ nam nữ bình quyền, có cơ hội là phải làm chủ chứ. Yên tâm đi, tao có cách. Hôm trước, được ngày nghỉ, ông xã tao đưa ảnh về nhà, tao có hỏi chuyện vợ con và giới thiệu về mày với ảnh. Tao đưa hình hai đứa mình chụp chung với nhau cho ảnh coi; thấy ảnh ngắm mày có vẻ đắm đuối lắm. Mày xinh thế, anh nào từ chối được. Thôi được rồi, để hôm nào có dịp, tao cho hai người nói chuyện với nhau”. Tưởng Mơ chỉ nói đùa, ai dè làm thật. Một bữa, điện thoại reo, đầu dây bên kia, tiếng Mơ: "A lô! “Nàng tiên ngủ quên trong rừng” của tôi ơi! Nói chuyện với anh Đức nhá. “Chàng ngự lâm” này hôm nọ tao giới thiệu với mày đấy”. Thế là hai người được nói chuyện với nhau. Qua điện thoại, Lý biết Đức là người ở trên vùng này thật; nhưng vì cũng thích theo nghề nuôi trồng thủy sản nên đi học Đại học Thủy sản, rồi nhận công tác ở Kiểm ngư… Từ bữa quen nhau qua “phôn” ấy, hai người thường xuyên gặp nhau qua điện thoại, tin nhắn, Facebook và thi thoảng còn gửi trao nhau những bức thư. Đây chính là những trang nhật ký của họ viết về cuộc sống hàng ngày, những nghĩ suy, những “dự án” về tương lai. Đức nói rằng, những ngày lênh đênh trên biển thực thi nhiệm vụ; cũng có khi sóng yên, biển lặng, anh lại ghi nhật ký. Trước đây, trang nhật ký của anh thường viết về công việc là chính, về những đồng đội xung quanh. Còn về người thân thì anh viết về mẹ là nhiều. Bố anh quê ở đồng bằng Bắc bộ, trước đây đi bộ đội; sau giải phóng miền Nam thì chuyển ngành về địa phương nơi đóng quân, làm cán bộ Công ty Thủy sản; nhưng ông đã “ra đi” sớm trước khi nhận sổ hưu vì căn bệnh ung thư gan do nhiễm chất độc da cam từ thời ở chiến trường. Mẹ anh, một nhân viên hành chính đã nghỉ hưu, hiện ở một mình, nhà ngay trong thị xã, từ chỗ Lý về cũng chỉ năm chục cây số. Đức có một chị gái, nhưng chị vào thành phố Hồ Chí Minh học rồi xin việc làm ở đó; bây giờ thì đã yên ấm gia thất rồi, thi thoảng mới về thăm mẹ. Chính vì thế, trong những trang nhật ký, Đức bày tỏ lòng thương mẹ nhiều. Bây giờ, trong số những người thân quen thì đã có thêm Lý… Lý thì từ lâu đã rất “ghiền” với việc viết nhật ký rồi. Những buổi tối và cả những ngày nghỉ cuối tuần, cô chẳng có nhiều việc. Thế là bao nhiêu nỗi nhớ về ba má, quê hương, bạn bè, những ước ao, dự định… đều được đưa vào nhật ký hết. Từ khi quen Đức, dù chưa giáp mặt, nhưng trong lòng Lý cũng thấy xao xuyến và dành nhiều chữ viết về nhân vật mới này. Nhiều trang viết đã được “chuyển thể” thành thư gửi cho Đức… Trong thư gửi Lý cách đây hai tháng, Đức nói hè này sẽ về nghỉ phép thăm mẹ, gặp Lý. Nếu Lý không ngại thì sẽ đưa về thăm mẹ. Vì thế, Lý khắc khoải chờ đón hè về để được gặp Đức. Cô cũng đã điện thoại về nhà “rào trước, đón sau” với ba, má là “khả năng hè này con ở lại”. Ba, má của Lý có vẻ không vui, nhưng cũng vẫn nói "Tùy con! Con cứ lo công tác tốt là ba, má mừng”.

ADQuảng cáo

Chiều nay, nhân viên Bưu điện Văn hóa xã mang đến cho Lý một bức thư. Vẫn là phong thư thân quen, thấm mùi vị mặn mòi của biển; nhưng sao lần này, Lý thấy bồi hồi, tay run run, mãi mới cắt được cái rìa bì thư. Cô đọc như ngấu nghiến trang viết của Đức. Những dòng chữ trên trang giấy cứ nhảy múa như những con sóng ngày biển động. Sau lời thăm hỏi, thư Đức kể về biến cố trên biển gần đây, kể về những vất vả của công việc hàng ngày mà anh, đồng đội và hàng ngàn ngư dân đang phải đối mặt… Cuối thư, anh viết: “Cấp trên đã cho anh nghỉ phép, nhưng anh xin ở lại. Trong lúc này, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Kiểm ngư không ai nghĩ đến việc riêng. Khi em nhận được

thư này, có thể anh và đồng đội đang ở ngoài khơi xa giữa muôn trùng hiểm nguy. Nhưng em cứ yên tâm nhé, bọn anh dù có phải hy sinh cũng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chúng mình hẹn gặp nhau dịp khác em nhé…”. Một chút bần thần, nhưng rồi Lý trấn tĩnh lại ngay. Giờ này, có thể anh còn đang ở ngoài khơi, gọi điện sẽ không nghe được. Cô mở điện thoại, nhắn một dòng tin với hy vọng một lúc nào đó, điện thoại của anh sẽ nhận được: “Anh cùng đồng đội cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Em định hè này ở lại; nhưng vậy thì tổng kết năm học xong là em về quê. Trước lúc về, em ra thị xã tìm gặp, thăm mẹ anh. Nếu bác đồng ý, em sẽ đưa bác về quê em. Như thế, nếu có dịp vào bờ đổi ca, anh sẽ được gặp mẹ và em”.

Nhấn nút “gửi” xong. Lý lại lấy quyển sổ quen thuộc, viết một trang về chuyện nhận được thư của Đức. Cuối trang cô ghi nguyên văn bản tin vừa gửi cho Đức và thêm một đoạn: “Thế là hè này mình lại về với biển. Ở huyện cũng có xe đò về quê, nhưng mình sẽ ghé qua thị xã, rồi sau đó mới về ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Biển gọi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO