Tạp văn: Tắt lửa tối đèn có nhau

Trâng Quốc Cưỡng| 11/02/2014 09:10

Người đời thường bảo “Bà con xa không bằng láng giềng gần”, mới nghe qua, ta hơi chạnh lòng, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy chí lý.

ADQuảng cáo

Nửa đêm nửa hôm ta không may trúng gió, hoặc gặp hoạn nạn bất ngờ, chờ cho người bà con đến nơi, có khi ta không còn trên thế gian này nữa. Những lúc này đây, người láng giềng ứng cứu kịp thời sẽ giúp ta vượt qua sự nguy hiểm. Vì vậy, người nào ở nơi cư trú mà sống không ra sống, bị người láng giềng ghét bỏ là sự sai lầm có khi phải trả giá đắt.

Đấy là "nói xa", chứ người miền quê chân chất không dùng ẩn dụ, so sánh, nhân cách hóa... mà họ thường mượn hình ảnh gần gũi nhất để răn đời: "Bà con láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", không nên "Đèn nhà ai nấy tỏ", sống như vậy biệt lập, tiêu cực lắm!

Ngày đó, người ở nông thôn còn nghèo, không mấy ai dự trữ tim đèn, đá lửa, dầu lửa trong nhà nhiều, nên tôi là một cậu bé chuyên đi xin lửa và mồi đèn. Mỗi lần nấu cơm, mẹ thường vùi lửa than vào tro để dành buổi chiều hoặc hôm sau còn có những đốm lửa than để nhen lên thành bếp lửa. Song, có những ngày bếp than tắt ngấm, mẹ sai tôi đến nhà hàng xóm xin lửa hoặc mồi đèn. Tôi cầm cục phân bò khô, có khi là miếng vỏ dừa khô đến nhà bác Ba, Thím Bảy, chị Hai… nhà láng giềng xin vài than lửa, vừa đi, vừa thổi phù phù, lửa bùng cháy, tôi co chân chạy vù vù về nhà thảy vào giữa bếp để mẹ dùng bùi nhùi ém vào than lửa tiếp tục dùng ống thổi lửa thổi pho pho khi nào bếp bén lửa cháy thành ngọn mới thôi.

ADQuảng cáo

Có những đêm nhà tối om, muỗi kêu vo ve, bật lửa hết đá, mẹ sai tôi bưng cái đèn sang nhà hàng xóm mồi lửa (mồi đèn). Người hàng xóm với nhau bao giờ cũng có sự cảm thông chuyện tối lửa tắt đèn, nên luôn sẵn lòng giúp nhau rồi hôm khác có thể mình lại đi mồi lửa nhà bên cạnh.

Đã có một thời gian khó, người miền quê đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm. Cái tính cộng đồng khu dân cư đẹp đẽ, nhân văn ấy được lưu truyền mãi đến bây giờ và còn nâng cao hơn trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, tình đoàn kết ở khu dân cư, tạo sức mạnh cộng đồng đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ sự bình yên xóm làng.

Thế là chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau” vẫn còn nguyên giá trị ở thời kinh tế thị trường; cái thời mà mặt trái của nó bắt đầu bằng thực dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạp văn: Tắt lửa tối đèn có nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO