Qua Thậm Thình - nghe vọng tiếng nước non

09/04/2014 10:57

Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về Đất Tổ và thời đại các vua Hùng. Đó là những vần thơ xúc động, thể hiện niềm tôn kính và tự hào đối với cội nguồn dân tộc. Trong số những thi phẩm đó phải kể đến bài thơ Qua Thậm Thình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.

ADQuảng cáo

Hai câu thơ "tức cảnh" mở đầu như lời giãi bày, có vai trò khơi nguồn cảm xúc, là cơ sở để nhà thơ phát triển tứ thơ với câu chuyện kể:

Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi

Thi gói bánh chưng. Ảnh tư liệu

Lời kể thật giản dị, tâm tình dẫn người đọc về với một không gian và thời gian đậm màu truyền thuyết và cổ tích. Kể mà để dựng cảnh. Người đọc thấy hiện lên hình ảnh vua Hùng đi săn, các bô lão dâng xôi bánh bên đường. Giữa khung cảnh non nước thanh bình và hữu tình ấy, tình cảm của vị vua sáng và dân hiền càng trở nên thắm thiết, gần gũi và cảm động biết bao.

Lễ vật dâng vua nào phải sơn hào hải vị gì nhưng đó lại là thức quà quý giá nhất, bởi bánh chưng, bánh giầy và quả xôi đầy ấy đều làm từ hạt gạo, từ tấm lòng thơm thảo của con người nơi thôn dã. Bao phẩm chất đáng quý và tình cảm tôn kính được gửi vào khuôn bánh, thể hiện lòng biết ơn của trăm dân đối với vị vua biết chăm lo cho dân nước bình yên, no ấm. Giá trị vật chất của lễ vật chẳng là bao song lại chứa đựng nhiều ý nghĩa tinh thần.

ADQuảng cáo

Tấm lòng của nhân dân cũng chính là suy nghĩ của vua Hùng, bởi không có gì quý bằng hạt gạo nuôi sống chúng ta, do chính con người làm ra. Vì vậy vua mới thấy đẹp lòng vì tìm được đất tốt để dựng lầu đặt kho chứa gạo cho cả đất nước. Từ đấy, bao cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết được tuyển về đây giã gạo, làm ra hạt gạo trắng trong - thứ "ngọc thực" quý nhất trời đất này; và còn tạo ra tiếng thậm tiếng thình cần mẫn, nhịp nhàng văng vẳng âm vang chất chứa bao tình nghĩa với hạt gạo, với vua Hùng và với đất nước.

Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.

Hình ảnh những cô gái đẹp tựa tiên sa làm việc mà như đang múa hát gợi ra một khung cảnh thần tiên cổ tích, vừa thanh bình, thơ mộng song cũng rất sống động, vui tươi. Tiếng giã gạo thậm thình ấy là thứ âm thanh của buổi thanh bình, sum họp và ấm no…

Ngôn ngữ bài thơ thật giản dị mà giàu sức gợi hình, gợi cảm. Có một mạch ngầm trong mát và lấp lánh chảy xuyên suốt bài thơ và trong tâm hồn sâu thẳm mỗi người dân Việt, đó là hồn đất nước. Và trong bao điều dệt thành hồn đất nước, có một thứ nhỏ bé nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa, ấy là tiếng giã gạo thậm… thình bốn nghìn năm vẫn vang vọng nghĩa tình non nước…

Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm.

Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi
Đẹp lòng vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.

Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… Thậm Thình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua Thậm Thình - nghe vọng tiếng nước non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO