Hồi ký: Nhớ những ngày đầu tháng Chín năm ấy

Thương Hà| 22/08/2014 10:12

Năm 1969, tôi thi đỗ vào lớp 8, Trường cấp 3 (tương đương với lớp 10, Trường THPT bây giờ). Hồi đó, vì nhiều lý do, ở nông thôn, ít người theo học lên cấp 3 lắm; nên việc tôi đi học là cả sự cố gắng lớn cũng như niềm vui của gia đình và bản thân.

ADQuảng cáo

Trước đó, do chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1964 - 1968) của đế quốc Mỹ, Trường cấp 3 sơ tán trong các làng ở  các xã xa thị trấn như Hồng Quang, Đoàn Kết. Tháng 11 năm 1968, phía Mỹ tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền bắc, nên cấp trên đã quyết định xây dựng Trường cấp 3 tại Quán Khoang, xã Lam Sơn, cách trung tâm huyện Thanh Miện khoảng gần 3 cây số về phía Bắc. Làng tôi nằm ở khu Nam, cách trung tâm huyện hơn 2 cây số; vì thế, từ nhà đến Trường, tôi phải đi trên đoạn đường ngang qua trung tâm huyện với tổng chiều dài chừng hơn 5 cây số.  Khoảng giữa tháng 8, chúng tôi đã được Trường thông báo tập trung để lao động xây dựng Trường. Theo qui định, mỗi học sinh góp 1 cây tre và một bó rạ để dựng lớp học. Ngày ấy, nhà tôi cũng như nhiều bạn cùng lớp chưa có xe đạp, nên sáng phải dậy sớm, nấu cơm, nắm mang theo để ăn trưa, chiều mới về. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn lắm, nhưng không phải chịu cảnh lúc nào cũng nơm nớp lo chạy máy bay; đi đâu cũng mang theo mũ rơm trên đầu, nùn rơm trên lưng, túi thuốc cứu thương trên vai… là sướng lắm rồi. Các phòng học được một số bậc phụ huynh và các thầy cô giáo cất lên giữa cánh đồng với khung tre, mái rạ; đám học sinh chúng tôi làm nhiệm vụ đổ đất nền, trộn bùn với rơm, trét lên những bức nhứng làm vách… Chỉ sau hai tuần, công trình lớp học đã cơ bản hoàn thành. Sau mấy năm bị chiến tranh, năm ấy không phải sợ máy bay, bom đạn nữa nên xã, thôn nào cũng tổ chức cho thanh, thiếu nhi vui hội trại mừng Quốc khánh; nên trong hai ngày đầu tháng 9, chúng tôi không phải tập trung về Trường. Hội trại ở thôn vui thật vui, nhưng lúc đó, tôi chỉ náo nức mong cho sớm xong để tựu trường. Tôi mường tượng ra, ngày khai giảng sẽ vui lắm, bởi có bao nhiêu niềm vui riêng, chung gộp lại…

Nghe tin Bác Hồ mất, người dân Việt Nam ai cũng khóc tiếc  thương. Ảnh tư liệu

Thế nhưng, đến ngày 3 tháng 9, khi chúng tôi tề tựu về Trường thì không khí toàn Trường không còn cảnh náo nhiệt như mấy hôm trước nữa; tất cả bao trùm một sự  vẻ trầm lắng khác thường; trên gương mặt thầy cô cũng như học sinh chúng tôi đều hiện lên vẻ ngơ ngác, như đã bị hoặc sấp bị mất một cái gì lớn lao lắm… Mọi người nói cho nhau biết một thông tin: Sức khỏe Bác Hồ yếu lắm. Nhiều bạn gái khi mới nghe tin này, đã dàn dụa nước mắt.

ADQuảng cáo

Ngày ấy, vì chưa có truyền hình, không có máy thu thanh nên phương tiện truyền thông thông dụng nhất trong xã hội là các loa truyền thanh. Chúng tôi được nghe chương trình thời sự, ca nhạc, chuyện cảnh giác, tiếng thơ, đọc chuyện đêm khuya… của Đài Tiếng nói Việt Nam đều từ các loa nén mắc trên ngọn đa đầu làng, trên cây sà cừ giữa phố huyện. Bởi thế, trong cả ngày mồng 3, ở làng tôi cũng như nhiều khu dân cư khác, dường như mọi người đều không đi làm, mà cứ tập trung ở những nơi có mắc loa truyền thanh để chờ đón nghe chương trình thời sự. Tuy nhiên, trong ngày ấy, Đài chỉ thông báo tin chung nhất là sức khoẻ của Bác yếu; nghe biết vậy, nhưng nhiều người vẫn bán tín, bán nghi. Qua ngày 4 tháng 9 thì thông tin chính thức: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần lúc 9 giờ 47 phút, ngày 3 tháng 9 và Quốc tang được thực hiện từ ngày 5 đến 12 tháng 9 đã được phát trên Đài. Thời điểm đó, vì nhiều lẽ, Trung ương đã thông báo Bác mất ngày 3 tháng 9; sau này mới thông báo chính thức lại là ngày 2 tháng 9. Hôm ấy, cả nhà tôi, ai cũng khóc. Bố tôi, khi đó 58 tuổi, cứ ngồi lặng như tượng, để hai hàng nước mắt chảy tràn trên mặt, y như hồi bà nội tôi mất cách đó mấy năm. Còn mẹ và các chị tôi thì cứ thút thít: Bác ơi! Bác đi rồi thì ai lãnh đạo nhân dân đánh Mỹ…

Sáng ngày 5 tháng 9, tôi cùng các bạn lên Trường sớm để dự khai giảng năm học mới. Ngang qua phố huyện, mới khoảng 6 giờ; chúng tôi thấy mấy dàn máy khâu của những tiệm may ở thị trấn được được đưa ra hè đường để may những miếng vải đen làm băng tang, phát cho người dân. Chúng tôi ghé lại cũng được các bác, các chị cán bộ địa phương phát cho mỗi đứa một chiếc để cài lên ngực. Lễ khai giảng năm học ấy không tổ chức rầm rộ như những năm trước, chỉ đơn giản là tập hợp tất cả thầy cô giáo và học sinh tại sân Trường; nghe thầy Hiệu trưởng tuyên bố vào năm học mới, sau đó lớp nào về lớp ấy để ổn định tổ chức. Buổi trưa, trên đường về, tôi ghé lại bàn máy khâu để định xin mấy miếng băng tang mang về nhà thì được chị thợ may bảo: Em lấy bao nhiêu cũng được, nhưng mà chị biết là ở làng em cũng đã có rồi. Quả thật, khi về đến nhà thì mọi người trong nhà tôi, ai cũng đều đã có băng tang cài trên ngực.

Mấy ngày tiếp đó, trời đổ mưa dầm dề, mãi đến ngày 12 tháng 9 mới tạnh. Hôm đó, chúng tôi tập trung ở sân Trường để làm Lễ truy điệu Bác Hồ. Trên khán đài là cờ Tổ quốc và bức ảnh Bác cỡ lớn; hai bên là hai băng rôn đen chữ trắng: "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” và “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Trước ảnh Bác là một chiếc đỉnh lớn, trong đó có hương trầm nghi ngút khói. Chúng tôi lặng lẽ đứng bên nhau, nghe chương trình truy điệu từ Quảng trường Ba Đình, Hà Nội được tiếp qua loa phóng thanh. Tôi vẫn còn nhớ như in giọng của đồng chí Lê Duẩn run run như cố ghìm tiếng nấc khi đọc bản Điếu văn, nhất là khi đọc đến 5 lời thề trước anh linh Bác. Thế rồi, khi bản Điếu văn kết thúc, cả sân Trường òa lên tiếng khóc nức nở của thầy và trò… Sau này tôi được biết, sáng hôm đó, ở mọi nơi từ đội sản xuất nông nghiệp, đến các cơ quan, đơn vị, nơi nào cũng tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ với nghi thức trang trọng đặc biệt và ở tất cả mọi nơi, trên khuôn mặt những người dự cũng đẫm nước mắt…

45 năm đã qua, kỷ niệm về sự xúc động của bản thân và những người xung quanh trước sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh khi qua đời vẫn nguyên trong tâm trí tôi. Song, có điều đặc biệt là sự mất mát, đau thương đến tột cùng ở thời khắc ấy đã không làm bi lụy, yếu ớt một ai… mà ngược lại, đã  hun đúc cho tinh thần, nghị lực để mọi người gần lại với nhau hơn, cùng nhau  vượt qua khó khăn, hướng đến một cuộc sống phát triển hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi ký: Nhớ những ngày đầu tháng Chín năm ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO