Ðặc sắc lễ gội đầu của người Thái Trắng

Nguyễn Hồng (th)| 21/02/2020 09:10

Mỗi dịp tết đến, xuân về, vào ngày 30 tết, người Thái Trắng ở khu vực thượng nguồn sông Ðà, gồm các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, Ngọc Chiến của tỉnh Sơn La; huyện Mường Lay, tỉnh Ðiện Biên; huyện Phong Thổ, Mường Mô, Mường Tè của tỉnh Lai Châu; huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái… lại tiến hành một nghi lễ không thể thiếu, đó là lễ gội đầu. Lễ gội đầu diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ, với ý nghĩa xua đi những điều không tốt đẹp trong năm cũ, cầu mong những điều may mắn vào năm mới.

ADQuảng cáo

Tục truyền rằng, xưa kia có một nữ tướng tên là Nàng Han người dân tộc Thái đi đánh giặc về vào đúng ngày 30 tết, bà cho người dân xuống gội đầu sạch sẽ, để ăn tết mừng năm mới. Từ đó, lễ gội đầu với người dân nơi đây không chỉ mang ý nghĩa xua đi những điều không tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu mong những điều may mắn ở năm mới, mà chính là tưởng nhớ đến Nàng Han và công lao của bà.

Các cô gái dân tộc Thái Trắng cùng thực hiện lễ gội đầu.

Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, thầy mo làm chủ lễ, thực hiện các nghi thức cúng thần sông thần núi, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc có công tạo mường, dựng bản. Ðây là nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, tôn vinh, tri ân công đức các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, nghi lễ còn thể hiện ước nguyện của Nhân dân cầu mong xua đi những điều không tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, trăm dân an vui. Ngay sau lễ dâng hương, tất cả mọi người tiếp tục di chuyển xuống bến sông để thực hiện nghi thức gội đầu và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian.

ADQuảng cáo

Người chủ lễ (thường là thầy mo, thầy cúng) đi đầu dẫn đoàn, theo sau là dàn trống chiêng đánh nhịp. Thay mặt người dân, ông chủ lễ kêu lời khấn. Sau lời hát tiễn đưa, nghi lễ gội đầu chính thức được bắt đầu. Vẻ đẹp nõn nà của người con gái Thái hiện lên trước mắt. Hàng trăm cô gái suối tóc dài, đen nhánh, mềm mại từ từ được buông xõa dưới dòng sông, hòa vào dòng nước.

Tất cả những gì không may mắn trong năm qua đã không còn là nỗi bận lòng, sẽ trôi chảy theo dòng nước, gợi lên những điều tốt đẹp cho ngày mai để sẵn sàng bước vào một năm mới thật tinh khôi. Nghi lễ này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được người dân tộc Thái Trắng Tây Bắc coi trọng, giữ gìn đến ngày nay.

Với những giá trị nhân văn tốt đẹp đó, vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công bố Nghi lễ gội đầu của người Thái Trắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðặc sắc lễ gội đầu của người Thái Trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO