Xây dựng hình ảnh Đắk Nông từ sản phẩm lưu niệm

Mỹ Hằng| 24/10/2014 13:30

Sản phẩm lưu niệm không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của địa phương. Là địa phương có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, nên cũng có không ít sản phẩm lưu niệm được chế tác, bày bán, hấp dẫn du khách gần xa.

ADQuảng cáo

Hiện nay, tại một số điểm du lịch như Cụm thác Trinh Nữ-Đray Sáp-Gia Long, Hồ Trúc, Liêng Nung…, các công ty du lịch cũng đã bày bán các loại sản phẩm quà lưu niệm như cà phê, đá, gỗ, tranh thêu, mây tre, thổ cẩm...

Nhiều sản phẩm lưu niệm là hàng thủ công mỹ nghệ do các nghệ nhân chế tác được bày bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Gia Bình

Điều đáng nói là phần lớn các sản phẩm này đều do các cơ sở thủ công mỹ nghệ tại địa phương sản xuất, đem đến ký gửi để phục vụ du khách. Không những vậy, tại thị xã Gia Nghĩa cũng như các trung tâm thị trấn các huyện, các cửa hàng bày bán sản phẩm lưu niệm, chủ yếu là làm từ nguyên liệu, chất liệu của địa phương, mẫu mã cũng không kém phần đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, với lòng yêu văn hóa dân tộc, một số nghệ nhân trên địa bàn đã làm các sản phẩm đặc trưng như gùi, túi xách, áo khố bằng thổ cẩm mang đến ký gửi ở các điểm du lịch, các cửa hàng. Mặc dù không phải sản phẩm nào cũng thu hút sự chú ý của du khách, nhưng cũng phần nào giúp người dân có thêm công ăn việc làm, duy trì nghề truyền thống.

Trao đổi về vấn đề này, nghệ nhân Thị Mai ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) cho biết: “Được sự động viên của chính quyền nên tôi cũng đã làm một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào M’nông để bán cho khách du lịch. Để làm được các túi xách, gùi, chuỗi hạt cườm, dây đeo cổ… theo kiểu truyền thống rất khó, mất nhiều công sức, nhưng việc tiêu thụ cũng được khá nhiều”.

ADQuảng cáo

Còn chị Trần Thị Nga, chuyên bán quà lưu niệm ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cũng cho hay: “Nhiều người hỏi Đắk Nông có sản phẩm lưu niệm gì đặc trưng không, tôi cũng mạnh dạn bảo có nhiều lắm. Ngoài cà phê, các loại trái cây theo mùa thì các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách cũng khá phong phú, đa dạng, muốn gì có nấy, chủ yếu được làm thủ công là chính. Chỉ đơn giản như một bức tranh gỗ mỹ nghệ mà có hình ảnh, câu thơ nói về Đắk Nông thì nhiều người cũng thích thú mua ngay ”.

Thổ cẩm là mặt hàng lưu niệm được nhiều du khách lựa chọn khi tới Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua thực tế cho thấy, việc tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của Đắk Nông là vấn đề đang được đặt ra một cách nghiêm túc. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch.

Đặc biệt, thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”, một số ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, để có những sản phẩm mang đặc trưng của tỉnh thì chắc chắn cần phải có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý, nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghề truyền thống.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành văn hóa cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm lưu niệm của tỉnh; đồng thời nghiên cứu thị hiếu du khách và không ngừng xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các mặt hàng lưu niệm. Đây là cơ sở để sản phẩm lưu niệm của tỉnh xây dựng được hình ảnh, dấu ấn riêng, góp phần tạo nguồn thu, công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như đưa hình ảnh Đắk Nông đến với du khách gần xa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hình ảnh Đắk Nông từ sản phẩm lưu niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO