Xác định, thống nhất ghi tên họ của người M’nông: Trên cơ sở sự đồng thuận, tự nguyện

Thanh Nga| 24/02/2017 10:40

Với mục tiêu làm rõ thực trạng duy trì dòng họ M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đồng thời đáp ứng yêu cầu khách quan của việc bảo tồn và ghi tên dòng họ M’nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 01/2010/UBND ngày 14/1/2010 về quy định ghi tên họ dân tộc M’nông (cho đối tượng chưa ghi tên họ).

ADQuảng cáo

Thực hiện Quyết định số 01, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tiến hành khảo sát thực tế tại các địa phương, bằng việc phát phiếu khảo sát đến người M’nông có độ tuổi từ 20 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở các huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, sau khi khảo sát đã thu về 4.886 phiếu thì có 2.270 phiếu trả lời có ghi tên họ, chiếm 46,5% và có 2.616 phiếu trả lời không có tên họ; trong đó, có 1.041 phiếu không nhớ tên họ và 1.297 phiếu do cha mẹ không đặt, 279 phiếu do bản thân không quan tâm đến tên họ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng không có tên họ là do hiện nay phần lớn người M’nông không mấy quan tâm đến tên họ của mình. Sự mơ hồ trong nhận thức về dòng họ, vai trò truyền khẩu qua việc kể chuyện gia phả của già làng, trưởng tộc bị giảm sút và hầu như họ không còn lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tình trạng này đang là một vấn đề đáng lo ngại trong việc bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống của người M’nông hiện nay.

Đồng bào M'nông ngày càng chú trọng giữ gìn văn hóa truyền thống. (Ảnh: Thi ẩm thực tại Hội xuân Liêng Nung 2017). Ảnh : H'Mai

Qua khảo sát cũng cho thấy, tên họ của người M’nông chủ yếu được đặt theo sự vật, hiện tượng, con vật, địa danh, tên bon (2.040 phiếu, chiếm gần 90%) và 230 phiếu chọn đáp án khác (chiếm hơn 10%). Việc đặt theo sự vật, hiện tượng, con vật, địa danh, tên bon đã gây ra tình trạng rất nhiều người khác nhau về huyết thống nhưng lại giống nhau về tên họ. Bởi lẽ, đời ông, bà, tổ tiên của họ ở cùng một địa danh và lấy tên họ theo cùng một địa danh đó hoặc cùng một sự vật, hiện tượng, con vật…Vì vậy, có những trường hợp nhiều người cùng huyết thống nhưng lại khác nhau về tên họ.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, nhu cầu ghi tên họ của người M’nông không cao (có 1.943 phiếu, chiếm 48,4%) và nhu cầu giữ tên họ như hiện nay (có 2.073 phiếu, chiếm 51,6%). Điều này cho thấy, công tác khôi phục, lưu giữ, ghi lại tên họ của người M’nông đang gặp khó khăn từ chính đồng bào M’nông.

Về cách thức đặt họ tên của người M’nông hiện nay chủ yếu dựa trên thói quen gọi từ xưa đến nay của họ và theo nhiều cách thức. Thứ nhất là thông qua kể chuyện gia phả, nhưng hiện nay việc kể chuyện gia phả còn rất ít, một số bon không có người nào biết kể. Vì vậy, việc xác định dòng tộc, tổ tiên cũng gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai là kế thừa tên họ theo họ của người mẹ. Đây là phong tục đặc trưng trong việc đặt tên họ cho con của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ, trong đó có đồng bào dân tộc M’nông của tỉnh Đắk Nông.

Thứ ba, do người khác xác định lại họ tên. Trường hợp này có thể tự mình không xác định được họ tên thì có thể nhờ người khác, có thể là do cha, mẹ hoặc họ hàng trong thân tộc xác định lại họ tên cho mình.

Ngoài ra, trường hợp kết hôn giữa các dân tộc khác như: mẹ người M’nông, cha người Kinh; mẹ người Kinh, cha người M’nông; mẹ người M’nông, cha người dân tộc thiểu số Tây Nguyên; mẹ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cha người M’nông… thì con cái sinh ra có thể lấy theo tên họ của cả cha và mẹ hoặc lấy theo tên họ của cha.

Đa số kết quả khảo sát cho rằng, ngày nay việc lựa chọn tên họ cho con cái của đồng bào là do thỏa thuận của cả cha và mẹ. Bên cạnh đó, việc giữ gìn truyền thống của các dân tộc theo chế độ mẫu hệ, người M’nông vẫn duy trì việc đặt tên cho con cái bằng cách kế thừa theo tên họ của người mẹ.

ADQuảng cáo

Khảo sát trong trường hợp kết hôn giữa các dân tộc khác nhau, người M’nông hiện phần lớn vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Mẹ người M’nông (mẫu hệ), cha người dân tộc Kinh hoặc các dân tộc thiểu số phía Bắc (phụ hệ) thì con lấy theo tên họ của cha. Ví dụ, anh Lê Văn Tùng lấy chị Thị Mai Buôn Ja thì con đặt tên theo họ của cha là Lê Y Tiến, Lê Thị Thủy.

Trường hợp mẹ người Kinh (phụ hệ), cha người M’nông (mẫu hệ) thì con lấy tên họ theo họ của cha. Ví dụ, trường hợp anh Y Thịnh Bon Jok Du cưới chị Nguyễn Thị Tuyết, sinh con đặt tên là H’Thủy Bon Jok Du.

Trường hợp mẹ người M’nông (mẫu hệ), cha người dân tộc thiểu số Tây Nguyên (mẫu hệ) thì con lấy tên họ theo tên họ của mẹ. Ví dụ, chị H’Thel lấy anh Y’Luk là dân tộc Ê đê thì con lấy theo họ mẹ là H’Hằng Y’Kiệt.

Trường hợp mẹ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên (mẫu hệ), cha người M’nông (mẫu hệ) thì con lấy tên họ theo tên họ của mẹ. Ví dụ, chị H’Rut người Ê đê lấy anh Điểu Thành thì con lấy họ mẹ là Y’Samnuel.

Cha và mẹ đều là dân tộc M’nông thì con lấy tên họ của mẹ; trường hợp này khá phổ biến.

Trường hợp tên họ thỏa thuận của cha và mẹ. Ví dụ, chị H’Hằng Niê người Ê đê lấy anh Kso Djop người Gia Rai thì con cha mẹ tự thỏa thuận đặt tên là H’Thi Ksor.

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác UBND tỉnh với Ban Dân tộc tỉnh mới đây, ông Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết đã xin ý kiến Bộ Tư pháp hướng dẫn cách ghi tên họ cho người M’nông.

Trong năm 2016, Sở Tư pháp đã lấy kết quả việc ghi tên họ đối với trẻ sơ sinh triển khai tại các huyện có đông đồng bào dân tộc M’nông sinh sống. Qua đó cho thấy, tại huyện Đắk R’lấp có 1.009 trường hợp được khai sinh thì chỉ có 2 trường hợp trẻ ghi tên họ, còn lại 1.007 trẻ không ghi tên họ. Thị xã Gia Nghĩa có 130 trẻ sơ sinh thì chỉ có 43 trẻ ghi tên họ còn 87 trẻ không ghi tên họ.

Thực tế, việc kết hôn giữa các dân tộc khác nhau hiện nay cho thấy, vấn đề đặt tên họ cho con của người M’nông chưa thống nhất, có nhiều trường hợp nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn, dẫn đến việc xác định họ tên cho thế hệ được sinh ra sau này trở nên phức tạp và gây ra những rắc rối, nghịch lý, làm cho việc xử lý một số vấn đề về tư pháp và quản lý hành chính như hộ khẩu, chứng minh nhân dân gặp khó khăn.

Từ thực tế này, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng Đề án triển khai việc xác định tên họ của người M’nông trên cơ sở sự đồng thuận, tự nguyện của cá nhân, từng gia đình và dòng họ của người đó. Đề án cần chú trọng đưa ra giải pháp về trình tự, thủ tục pháp lý và lộ trình cụ thể hoàn thành việc ghi tên dòng họ M’nông cho những người có nhu cầu và điều chỉnh bổ sung tên họ trên các giấy tờ liên quan như sổ hộ tịch, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên quan khác…

Theo ông Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, qua khảo sát cho thấy, nhu cầu ghi lại tên họ của người dân tộc M’nông tại địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, việc bổ sung tên họ cho người dân tộc M’nông sẽ dẫn đến việc thay đổi các giấy tờ tùy thân, bằng cấp…, nên người dân còn e ngại trong việc bổ sung tên họ vào giấy khai sinh. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định của Bộ luật Dân sự, luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định, thống nhất ghi tên họ của người M’nông: Trên cơ sở sự đồng thuận, tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO