Vừa làm nghề vừa tìm “đầu ra” cho sản phẩm thổ cẩm

Gia Bình| 22/10/2018 10:51

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống lâu đời của đồng các dân tộc Tây Nguyên và đồng bào các dân M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Với xu thế phát triển của xã hội, các sản phẩm dệt truyền thống không thể cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp. Nhưng bằng tình yêu, tâm huyết với nghề, nhiều nghệ nhân, đồng bào vẫn nỗ lực duy trì nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà H'Bạch ở bon N'jriêng ở xá Đắk Nia (Gia Nghĩa) luôn ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm để bán cho những ai có nhu cầu. Ảnh Hồ Mai

Bà H’Bạch ở bon N’jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là một trong những người có “thâm niên” dệt thổ cẩm hơn 40 năm và hiện tại gia đình bà vẫn duy trì nghề, bán các sản phẩm làm được ra thị trường. Theo bà H’Bạch, trước đây khi cuộc sống còn tự cung tự cấp và nhu cầu sử dụng nhiều nên nghề dệt tương đối phát triển. Nhưng nhiều năm trở lại đây, các mặt hàng áo quần may sẵn trên thị trường rất nhiều, mẫu mã đẹp, hợp thời trang nên sản phẩm thổ cẩm truyền thống có phần bị “lép vế”. Vì thế, để giữ nghề bà chỉ còn cách vừa làm cầm chừng vừa tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo đó, bà H’Bạch đã mang sản phẩm thổ cẩm đi ký gửi tại các nhà hàng, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và tại Lâm Đồng. Rồi niềm vui đến khi bà nhận được nhiều “đơn đặt hàng” từ các đoàn nghệ thuật, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Chính điều này giúp bà tự tin và gắn bó với chiếc khung cửi hơn. Có lúc “đơn hàng” nhiều, làm không kịp, bà rủ thêm em gái H’Mớt và cô con gái đầu là H’Bình tham gia dệt thổ cẩm để bán. Được sự hỗ trợ của mẹ, giờ đây chị H’Bình cũng đã nối nghiệp, trở thành một thợ dệt lành nghề có thể làm sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. Trung bình mỗi tháng, gia đình bà H’Bạch bán được 2-4 sản phẩm thổ cẩm.

Bà H’Bạch cho biết: “Mỗi tấm thổ cẩm đẹp có giá từ 1-2 triệu đồng và tùy theo sản phẩm để có thể định giá. Do tất cả nguyên liệu đều mua và đòi hỏi sự kỳ công trong từng công đoạn nên giá thành đắt. Chủ yếu là lấy công làm lời thôi nhưng vậy cũng vui rồi vì vừa có thêm thu nhập vừa lại giữ được nghề của cha ông để lại”.

ADQuảng cáo

Dù "đầu ra" còn khó khăn, nhưng chị H'Bleng ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) vẫn miệt mài giữ nghề

Tương tự, được mẹ truyền nghề, ngay  từ nhỏ chị H’Bleng ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) một mặt chị H’Bleng tham gia truyền dạy dệt thổ cẩm cho các chị em trên địa bàn huyện, mặt khác tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Thế nhưng, các sản phẩm làm ra chỉ bán được cho bà con trong bon hoặc những ai có nhu cầu làm quà “hồi môn” cho con gái khi lấy chồng.

Chị H’Bleng cho biết: “Tôi yêu nghề dệt thổ cẩm và không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một nên vẫn làm cầm chừng, cốt để truyền nghề lại cho con cháu. Chỉ mong chính quyền các cấp tạo điều kiện cũng như có giải pháp cụ thể để sản phẩm thổ cẩm của đồng bào có thể vươn ra thị trường và người dân có thể sống với nghề dệt”.

Chị H'Đá (bên trái) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình dệt

Có thể thấy, để những sản phẩm thổ cẩm có lối đi riêng trên thị trường thì bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào còn rất cần đến sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành liên quan. Có như vậy, những ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm sẽ vừa được lưu giữ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Chị H’Đá ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cũng đang cố gắng tìm “đầu ra” cho sản phẩm thổ cẩm bằng cách dệt bán cho những ai có nhu cầu và ký gửi ở các khu, điểm du lịch. Chị H’Đá cho biết: “Sản phẩm thổ cẩm khó bán lắm, mỗi tháng chỉ bán được 1-2 cái thôi, khi nào có sự kiện gì thì người ta mới đặt mua”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa làm nghề vừa tìm “đầu ra” cho sản phẩm thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO