Vinh dự mang lời ca, điệu múa đến với Trường Sa thân yêu

Lam Giang| 26/05/2017 09:14

Đến với Trường Sa những ngày tháng 5, Đoàn công tác số 12 nói chung và Đoàn đại biểu số 2 tỉnh Đắk Nông nói riêng, không chỉ mang đến những hơi ấm, tình cảm từ đất liền mà còn có lời ca, điệu múa của Đội văn nghệ xung kích Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh tham gia cùng đoàn công tác.

ADQuảng cáo

Các thành viên Đội văn nghệ xung kích giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang

Gọi là Đội văn nghệ xung kích, bởi phần lớn các thành viên là những diễn viên, ca sĩ trẻ của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông. Và nói như Trưởng đoàn-Nhạc sĩ Võ Cường, thì đến với Trường Sa, mỗi thành viên Đội văn nghệ xung kích đều cảm nhận được vinh dự lớn lao, bởi cơ hội được đi biểu diễn ở đảo xa đối với người nghệ sĩ không phải dễ. Vì vậy, ngay sau khi có quyết định tham gia đoàn công tác, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã lựa chọn những ca sĩ, diễn viên ưu tú cũng như xây dựng chương trình biểu diễn cụ thể với 2 phần chính. Trong đó, phần 1 là những ca khúc, điệu múa ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, người lính Hải quân và phần thứ 2 là ca ngợi đất nước, con người Tây Nguyên, Đắk Nông.

Có lẽ với sự chuẩn bị chu đáo đó, nên các buổi giao lưu tại các điểm đảo ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 đã trở thành những kỷ niệm khó quên đối với mỗi người. Cùng với ca sĩ, diễn viên Đắk Nông, còn có sự tham gia của những “hạt nhân” văn nghệ đến từ các đoàn đại biểu khác. Các thành viên luôn “cháy” hết mình, nỗ lực mang lời ca, tiếng hát phục vụ chiến sĩ, nhân dân nơi biển đảo.

Tại các điểm đến, chương trình luôn trong tình trạng “bể sô”, bởi số lượng tiết mục luôn tăng so với dự kiến vì nhiều người đăng ký hát thêm. Nhiều ca khúc như: “Tổ quốc gọi tên mình”, "Nơi đảo xa", "Biển hát chiều nay", "Gần lắm Trường Sa", “Tổ quốc nhìn từ biển”... được các chàng lính đảo đề nghị hát đi hát lại nhiều lần.

Đặc biệt, những ca khúc, điệu múa mang âm hưởng Tây Nguyên luôn làm “cháy” sân khấu, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đảo nói riêng và khách từ đất liền ra. Lính đảo cũng “cháy” theo, ùa lên sân khấu cùng nhảy, cùng hát như một dàn đồng ca giữa biển khơi.

Ca sĩ Điểu Su, thành viên Đội văn nghệ xung kích tâm sự: “Hát bên cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong gió là một cảm giác thật đặc biệt và khó diễn tả. Chúng tôi càng xúc động hơn khi được chứng kiến cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, không quản ngại gian nan, khó khăn, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, không có gì hơn, bằng lời ca, tiếng hát, chúng tôi muốn mang tình cảm từ tận đáy lòng mình gửi đến các anh”.

ADQuảng cáo

Ca sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Giang cũng chia sẻ: “Lần đầu tiên được hát dưới hàng cây bàng vuông, cây phong ba, trong tiếng sóng biển rì rào, trong tình cảm đầm ấm giữa đất liền và hải đảo, chúng tôi ai nấy cũng trào dâng niềm xúc động, chỉ biết gửi tình cảm vào trong lời ca, tiếng hát để tặng quân, dân Trường Sa”.

Cường độ làm việc của Đội văn nghệ xung kích thật đáng nể, có buổi giao lưu, nhiều ca sĩ sẵn sàng biểu diễn liên tục không dứt. Có khi trên tàu vừa bị những cơn say sóng làm cho phải nôn ra “mật xanh mật vàng”, nhưng đặt chân lên đảo là các ca sĩ ngay lập tức “cháy” hết mình cùng với lính đảo. Trong gần mười buổi giao lưu trên các đảo đã khiến nhiều thành viên Đội văn nghệ xung kích lạc cả giọng. Ca sĩ Y M’Linh thường ngậm nước muối vào giờ nghỉ trưa để giữ giọng bớt “khê”, đủ sức phục vụ 2 buổi một ngày.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa hòa nhịp cùng với ca sĩ

Đáp lại tình cảm đặc biệt ấy, những người lính Trường Sa đã dành tặng cho các ca sĩ, diễn viên cả một bó hoa do họ tự tay kết bằng san hô và ốc biển tuyệt đẹp.

Đại úy Vũ Quang Minh, Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ: "Anh chị em văn công luôn được lính đảo đặc biệt yêu mến và mong chờ. Cứ nghe tin tàu từ đất liền ra có văn công, ca sĩ đi kèm là anh em vui như Tết, xốn xang cả ngày. Bởi nếu may mắn mỗi đảo một năm được xem văn công biểu diễn văn nghệ từ 1-2 lần. Nhiều anh lính trẻ gặp các cô văn công tim đập nhanh quá đến mức cầm giấy bút mà không dám xin địa chỉ”.

Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ  cũng nói: “Chúng tôi chờ văn công, mong mỏi được nghe ca sĩ đến hát như là “sứ giả” của đất liền. Những bài hát do họ thể hiện mang theo tình cảm của đất liền, của quê hương, gia đình, bạn bè, nên có sức động viên, cổ vũ rất lớn đối với mỗi người lính đảo xa. Qua đó, chúng tôi càng thêm ấm lòng, chắc tay súng ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”

Không chỉ biểu diễn thành công tại những điểm đảo, nhà giàn, Đội văn nghệ xung kích còn là nòng cốt khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ trên tàu chở Đoàn công tác số 12. Mỗi buổi tối, tất cả thành viên trong đoàn lại tập trung trên boong tàu cùng hát, cùng chia sẻ những tâm tình, những sáng tác mới về biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước. Những buổi sinh hoạt tập thể đó đã xóa đi mọi khoảng cách giữa các thành viên, làm cho mọi người gần gũi, đoàn kết, yêu thương nhau hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinh dự mang lời ca, điệu múa đến với Trường Sa thân yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO