Về phát triển công nghiệp văn hóa

Tạp chí cộng sản| 22/05/2015 10:19

Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta chính thức xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, coi phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

ADQuảng cáo

Có thể khẳng định Nghị quyết số 33 – NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là văn kiện chính thức của Đảng lần đầu tiên đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam với đầy đủ tính chất của một ngành công nghiệp.

Lồng đèn phố cổ Hội An để lại ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, không phải đến lúc này, vấn đề xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta mới được đề cập mà thực chất đây là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy của Đảng về văn hóa, về mối quan hệ văn hóa -  kinh tế, về mô hình phát triển của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã được nêu ra từ nhiều năm trước.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, gắn kết kinh tế với văn hóa; chủ trương xây dựng cơ chế kinh doanh, dịch vụ văn hóa theo hướng kinh tế thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động văn hóa; thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa; đẩy mạnh sự sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm văn hóa… Đây là những nội dung quan trọng có ý nghĩa tiền đề cho việc định hình những lý luận cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề phát triển loại hình công nghiệp văn hóa ở nước ta những năm tiếp theo.

Tiếp đó, Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX cho thấy những điểm mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp văn hóa được khuyến khích phát triển; thị trường văn hóa bước đầu được thừa nhận với những sản phẩm văn hóa được lưu thông theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết số 23 – NQ/TW, ngày 16/6/2008, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa (ở đây là các sản phẩm văn học, nghệ thuật). Vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa của các phương tiện, phương thức sản xuất và truyền bá các sản phẩm văn hóa, nội dung quan trọng của công nghiệp văn hóa đã được Nghị quyết ghi nhận.

Đặc biệt, trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” Chính phủ đã khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới và nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung là xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới về cơ chế, xây dựng chính sách, triển khai các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các ngành thuộc công nghiệp văn hóa trong tương lai.

ADQuảng cáo

Đoàn văn nghệ dân gian tỉnh Đắk Nông biểu diễn phục vụ du khách về dự lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phan Tuấn

Như vậy có thể thấy, những quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã hoàn thiện một bước những quan điểm, chủ trương của Đảng và Chính phủ đã được nêu ra trong các văn bản trước đó. Đó là sự “thích ứng” linh hoạt với xu thế chung của thời đại, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển, khi tiền đề cho việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đã được tạo dựng với những biểu hiện rất cơ bản, với điểm nhấn là sự hình thành một thị trường văn hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI là một hệ thống các luận điểm, bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Về mục đích: “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra các giải pháp là: “Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.

Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi quyền tác giả từ Trung ương đến địa phương”.

Với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế, mà thực sự trở thành một ngành sản xuất mũi nhọn, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Công nghiệp văn hóa chính là mô hình phát triển văn hóa trong bối cảnh mới, gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng. Xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa là một biến đổi quan trọng đối với phương thức phát triển văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa làm sâu sắc hơn mối quan hệ xây dựng Đảng làm then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về phát triển công nghiệp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO