Vẫn nỗ lực truyền dạy cho con cháu biết nghề dệt thổ cẩm

Gia Bình| 18/07/2018 09:56

Với đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê…, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc và cũng là thước đo sự đảm đang của người phụ nữ trước khi về nhà chồng. Do đó, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng nhiều gia đình hiện vẫn duy trì nghề và truyền dạy cho con cháu.

ADQuảng cáo

Điển hình như bà H’Bạch ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt thổ cẩm và chỉ dạy cho con cháu. Theo như lời bà kể, khi vừa tròn 12 tuổi, bà đã thành thạo các hoa văn bên khung dệt nhờ được mẹ truyền dạy. Trước đó, mẹ bà cũng được bà ngoại truyền nghề.

Bà H'Bạch cùng cháu gái mới 7 tuổi cùng nhau dệt thổ cẩm

Theo truyền thống của người Mạ, con trai phải biết đan lát, con gái phải biết dệt thổ cẩm và chỉ cần nhìn vào tay nghề là có thể hiểu được tính cách, sự khéo léo, đảm đang của người đó như thế nào. Vì vậy, cho dù nếp sinh hoạt thay đổi, nhiều gia đình không còn gắn bó, nhưng bà vẫn truyền dạy cho các con biết cách dệt thổ cẩm của người Mạ và những ai có nhu cầu.

Bà H’Bạch cho biết: “Dệt thổ cẩm đã gắn bó với các thành viên trong gia đình tôi. Mỗi khi ngồi bên khung cửi là tôi nhớ lại hình ảnh bà, mẹ của mình ngày xưa và tôi sẽ cố gắng gìn giữ, truyền dạy cho con cháu”. Điều đáng ghi nhận là 4 người con gái của bà đều biết dệt thổ cẩm và thường xuyên tham gia thi dệt thổ cẩm do địa phương tổ chức.

Chị H’Bình-con gái thứ 2 của bà H’Bạch chia sẻ: “Tôi biết dệt như hôm nay cũng là nhờ mẹ và đây cũng là nghề truyền thống giúp gia đình tôi có thêm thu nhập. Sau này con gái lớn, tôi cũng sẽ chỉ dẫn cho cháu học nghề này. Bây giờ, tuy còn nhỏ nhưng mỗi lần thấy mẹ và các bà đem khung dệt ra, cháu cũng ngồi xem rất thích thú…”.

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình bà Thị Xanh ở bon Bu Đách, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) vẫn thường xuyên chỉ dạy những bước cơ bản làm nên một tấm thổ cẩm đẹp cho các con của mình. Bởi theo bà, cuộc sống ngày càng thay đổi, nếu không truyền nghề lại cho con cháu thì mai này nghề dệt thổ cẩm của dân tộc sẽ không còn và đó là điều đáng tiếc. Noi gương của mẹ, các con của bà đã biết dệt thổ cẩm và tự tay sáng tạo những hoa văn, họa tiết trên từng bộ trang phục của các thành viên trong gia đình.

Trước khi về nhà chồng, các con gái của bà Thị Xanh đều tự tay thêu, dệt những chiếc váy, áo, khố, chăn đắp… để làm của hồi môn, tặng cho các thành viên bên nhà chồng. Chị Thị Thuynh, con bà Thị Xanh cho biết: “Được mẹ truyền nghề, cùng với tinh thần tự học, tìm hiểu đến giờ tôi có thể dệt được những tấm thổ cẩm có hoa văn khó. Tôi sẽ theo gương mẹ, giữ nghề này và truyền lại cho con cháu mình”.

Dệt thổ cẩm chính là thước đo sự đảm đang của người phụ nữ trước khi về nhà chồng

Chị H’Đer ở bon Đắk Krai, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cũng học được nghề dệt thổ cẩm từ chính mẹ ruột của mình. Trên cơ sở những gì được học, chị còn sáng tạo ra những hoa văn theo thị hiếu và còn tự tay làm nên những khung dệt, giúp chị em trong bon làm nghề.

Chị H’Đer vui vẻ nói: “Dệt thủ công đòi hỏi siêng năng, kiên trì, nhất là sự tỉ mỉ, khéo léo. Do đó, tôi luôn chỉ dạy cho con của mình đã không học dệt thì thôi mà đã học thì phải đến nơi đến chốn, có như thế mới không phụ lòng của những thế hệ đi trước”.

Có thể thấy, với tình yêu văn hóa dân tộc và bằng nhiều cách làm khác nhau, không ít gia đình vẫn duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn nỗ lực truyền dạy cho con cháu biết nghề dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO