Văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế

Tạp chí Cộng sản| 08/05/2015 09:57

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và giàu bản sắc. Trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần nhận diện những mặt tích cực và hạn chế của văn hóa Việt Nam, một mặt, để hướng tới khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc; mặt khác, khắc phục những hạn chế của nó, kiến tạo một nền văn hóa phù hợp với thời kỳ hội nhập, phục vụ đắc lực cho sự phát triển đất nước.

ADQuảng cáo

Nói đến văn hóa là nói đến con người. Vì con người là giá trị cao nhất của văn hóa, là “linh hồn của văn hóa”, là “trái tim đích thực” của một nền văn hóa. Con người vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời cũng là chủ thể của các hoạt động kinh tế.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được bảo tồn, phát triển và hội nhập. Ảnh: Ngọc Tâm

Thông qua lao động, con người thể hiện văn hóa qua cách thức sản xuất, tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, các quy tắc tư duy, hệ tư tưởng, các giá trị đạo đức, truyền thống, lối sống, tín ngưỡng, thị hiếu. Văn hóa của dân tộc nào cũng có kiểu tồn tại riêng, biểu hiện tính chất nội sinh độc đáo của mình. “Nó bị chế ước bởi các điều kiện tự nhiên – xã hội – lịch sử mà trong đó cộng đồng đang tồn tại”. Vì thế, khi tìm hiểu các đặc trưng văn hóa dân tộc (cả mặt tích cực và tiêu cực), phải xem xét vai trò tác động, sự chi phối của cả ba yếu tố tự nhiên, xã hội và lịch sử.

Trước hết, văn hóa truyền thống Việt Nam là nền văn hóa nông nghiệp. Các điều kiện tự nhiên đã để lại dấu ấn đậm nét trong phương thức sinh hoạt vật chất – kinh tế, lối sống, cách tư duy, tâm lý, tính cách của người Việt.

Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, người Việt Nam đã rèn luyện cho mình tính linh hoạt, năng động, luôn thích nghi với hoàn cảnh. Có thể nói, tố chất hòa đồng, thuận ứng với tự nhiên đã tạo thành nét đẹp truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hạn chế của sự thuận ứng này biểu hiện ở tâm lý bình quân, cầu an, cào bằng, tác phong tùy tiện, kém đấu tranh, kém chí tiến thủ, lâu ngày dễ tạo nên sự trì trệ, bảo thủ.

Đời sống kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, khép kín và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng tạo nên nét nổi bật trong tâm lý của người Việt truyền thống là xem trọng đời sống tâm linh tinh thần hơn đời sống kinh tế vật chất.

Trong khi các hoạt động tinh thần, như giáo dục, phép ứng xử và tu dưỡng đạo đức,… được đề cao thì các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động thương nghiệp lại bị coi nhẹ. Cũng vì thế, trong lịch sử dân tộc, văn hóa kinh doanh không có điều kiện phát triển mạnh.

Về phương diện xã hội, các thiết chế gia đình, họ hàng và cùng với nó là làng mạc tạo thành đơn vị xã hội cơ sở. Điều này ấn định nguyên tắc coi trọng các giá trị gia đình và cộng đồng hơn các giá trị cá nhân. Tinh thần cộng đồng được xem là nét đặc trưng nổi bật của con người và văn hóa Việt Nam.

Về mặt lịch sử, nạn xâm lăng luôn là mối nguy cơ thường trực đối với đất nước ta. Để sinh tồn, dân tộc buộc phải đoàn kết và chiến đấu không biết mệt mỏi. Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong nhiều thế kỷ đã hun đúc nên truyền thống bất khuất và bản lĩnh kiên cường của dân tộc, kết tinh thành chủ nghĩa yêu nước – “một giá trị đứng đầu bảng giá trị tinh thần của dân tộc ta”. Yêu nước trở thành một quy phạm đạo đức cao nhất, một lẽ sống của người Việt. Lòng yêu nước như một chủ nghĩa chỉ dẫn cách ứng xử xã hội, là phương sách tối ưu để tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Hình thành và phát triển trong bối cảnh của điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử như vậy, văn hóa Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự tồn vong và phát triển của dân tộc.

Bên cạnh nhiều giá trị tích cực có thể đóng góp đối với sự phát triển kinh tế đất nước, văn hóa truyền thống Việt Nam cũng hàm chứa một số hạn chế cần khắc phục và thiếu hụt cần bổ sung. Bản thân một số truyền thống cũng có tính hai mặt, chẳng hạn, sự giản dị, nhẫn nại, giỏi chịu đựng gian khổ là những phẩm chất tốt nhưng có thể dẫn đến việc hạ thấp nhu cầu, cam chịu, dễ thỏa mãn, bằng lòng với cái hiện có, do đó triệt tiêu động lực phát triển.

Ngoài ra, nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp lâu đời của Việt Nam cũng kéo theo sự lạc hậu trong tư duy về kinh tế. Quan niệm “lấy cần cù bù thông minh”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chủ nghĩa kinh nghiệm,… đã hạn chế rất nhiều vai trò của trí tuệ, của khoa học trong sản xuất. Tập quán sản xuất tiểu nông và căn tính nông dân với những mặt tiêu cực của nó, như thiếu chuẩn xác về thời gian, kỹ thuật, tâm lý ăn xổi, cầu may, tác phong tùy tiện, thích bình quân, không chấp nhận sự phân hóa trong cuộc sống, khả năng hạch toán kinh tế kém cỏi và thiếu một tầm nhìn chiến lược trong sản xuất,… cũng là những trở ngại của chúng ta khi đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với các nước có nền công nghiệp và kinh tế thị trường phát triển.

ADQuảng cáo

Trong mối liên hệ này, điểm thiếu hụt đáng kể của văn hóa truyền thống Việt Nam là chưa có một văn hóa pháp luật và văn hóa kinh doanh thực sự, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế đất nước thời kỳ hội nhập.

Trong đời sống xã hội hiện đại, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy nhưng chúng ta lại quen sống trong một nền “văn hóa luật tục” được chỉ dẫn bởi luân lý, lệ làng. Với đặc trưng duy tình, tư duy linh hoạt, ứng xử mềm dẻo, văn hóa truyền thống Việt Nam coi trọng sự ước định không chính thức, không chú ý đúng mức việc xây dựng pháp quy chính thức và cơ chế thực hiện; pháp luật thành văn chính thức có “tính khả biến” rất cao, có thể “sửa chữa” hoặc bỏ đi bất kỳ lúc nào do những nhu cầu đặc biệt.

Trong lịch sử Việt Nam cũng đã có những “bộ luật” được ban hành nhưng chưa được coi là những chuẩn tắc tối cao, nghiêm ngặt, không thể thay đổi mà tuân theo. Trong thực tế, tùy tình hình cụ thể mà người ta luôn có thể biến báo “linh động”, “ưu đãi”, “lệ riêng”, có thể thay đổi hoặc vứt bỏ những quy tắc của pháp luật thành văn chính thức mà áp dụng lệ làng hay nhiều biệt lệ khác. “Khuynh hướng phi lý tính trong văn hóa pháp luật của người Việt là một điểm yếu, biểu hiện ở chỗ nó thiếu tính pháp quy chặt chẽ, thiếu “tinh thần pháp trị”, cơ bản dựa trên “sự ràng buộc tâm lý” và đạo đức, thiếu sự sắp đặt cần thiết về chế độ để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh”.

Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 1/10/2009. Ảnh tư liệu

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, văn hóa pháp luật được đưa lên vị trí ưu tiên trong mọi hoạt động của xã hội. Bởi cơ chế thị trường đòi hỏi cách làm ăn không chỉ có tình cảm mà phải có nguyên tắc, đức trị phải được duy trì trên cơ sở pháp trị. Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển phải hòa mình vào hệ thống kinh tế quốc tế, tuân theo những “thông lệ quốc tế”.

Vì vậy, chúng ta cần nỗ lực xây dựng một văn hóa pháp luật phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, làm cho “pháp luật nước ta tương thích với luật pháp quốc tế”; chú trọng hơn nữa việc xây dựng chế độ lý tính hóa, quy phạm hóa, dùng “tinh thần pháp trị” để tự hoàn thiện. Đồng thời, tiếp thu những thành tựu của văn hóa pháp luật nước ngoài để làm sâu sắc hơn văn hóa pháp luật truyền thống.

Để gia nhập quỹ đạo phát triển chung của thế giới, chúng ta còn cần phải có văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh thời kỳ mở cửa và hội nhập đòi hỏi công việc kinh doanh phải được quản lý khoa học, theo các công nghệ hiện đại để đạt tới các mục tiêu hiệu quả, chất lượng và dịch vụ hoàn hảo, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, cần học tập, thâu thái cái hay, cái mới của nền văn hóa khác, như tác phong công nghiệp, thói quen quý thời gian, trọng luật lệ và sự cam kết, tầm nhìn xa trông rộng… Văn hóa kinh doanh Việt Nam cần phấn đấu đạt tới trình độ tiên tiến của thế giới hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam hiện nay chính là tạo lập và hoàn thiện một phương thức kinh doanh hiệu quả mang đặc thù dân tộc. Tính đặc thù bản sắc của văn hóa kinh doanh Việt Nam chính là ở chỗ phát huy được tinh hoa văn hóa truyền thống. Đem tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết cộng đồng vào hoạt động kinh doanh.

Tinh thần ấy có thể giúp chúng ta tôi rèn bản lĩnh chính trị cho các chủ thể kinh doanh, biết lấy sứ mệnh xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội làm sứ mệnh của mình, biết coi trọng lợi ích của cộng đồng dân tộc, quốc gia khi hoạt động trên thương trường quốc tế. Tinh thần ấy cũng sẽ giúp chúng ta khắc phục được kiểu làm ăn thiển cận “khôn nhà dại chợ” trên thương trường. Truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng đạo lý làm người có thể giúp chúng ta xử lý hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ giữa đạo đức và kinh doanh.

Trên con đường hội nhập, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm phương thức phù hợp để khai thác tốt nhất mọi tiềm năng, nguồn lực nhằm tạo dựng một xã hội văn minh, giàu có, trong đó mọi thành viên đều được chung hưởng hạnh phúc trong an toàn. Đó không chỉ đơn thuần là các giải pháp kinh tế hoặc chính trị - xã hội. Thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử cho thấy, giải pháp văn hóa là một phần quan trọng, bảo đảm sự thành công của công cuộc hội nhập và phát triển, ở đó thể hiện nhân cách, năng lực và tiền đồ của một dân tộc.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, văn hóa dân tộc đang có sự gia tăng dân trí, ý thức pháp luật. Tri thức khoa học và quan hệ quốc tế mới làm cho chủ nghĩa nhân văn, tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần thích ứng được phát triển một bước. Chúng ta hướng tới cội nguồn, gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp nhưng đồng thời cách tân nó, làm thành nội lực phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa dân tộc sẽ như một động lực thúc đẩy con người Việt Nam nhịp bước cùng thời đại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO