Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc trên đất mới

Vũ Hà| 11/08/2017 10:45

Sau 1975, đặc biệt là những năm gần đây, dân cư tất cả các vùng miền trong cả nước đến Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông ngày càng nhiều. Trong đó, có một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), phần lớn là đồng bào DTTS phía Bắc. Hiện nay về dân số, đồng bào các DTTS phía Bắc chỉ đứng sau người Kinh và cao hơn nhiều dân số đồng bào DTTS tại chỗ.

ADQuảng cáo

Múa khèn là một trong những trò chơi dân gian không thể thiếu trong ngày xuân của đồng bào Mông. Ảnh: A Trư

Là một bộ phận dân cư đông đảo đồng bào các DTTS phía Bắc đã đem đến Tây Nguyên nguồn nhân lực và đóng góp công sức vào việc dựng xây quê hương mới trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đồng bào các DTTS phía Bắc đã đem đến vùng đất mới sắc màu văn hóa của chính dân tộc họ như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ẩm thực dân gian và nghề thủ công tuyền thống…, đóng góp qúy giá vào kho tàng văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Một điều dễ nhận thấy là, trong khi văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên ngày càng mai một và biến thể thì văn hóa truyền thống, nhất là một số lễ hội văn hóa của đồng bào các DTTS phía Bắc lại có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS phía Bắc chủ yếu tồn tại bằng yếu tố tự thân, các hoạt động văn hóa của họ ít dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước là điều quan trọng cho sự tồn tại và phát triển bền vững.

Vào dịp tết Nguyên đán, cũng là mùa lễ hội của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, có nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống và lễ hội của đồng bào các DTTS phía Bắc được tổ chức. Huyện Đắk Glong, nơi có đông đồng bào các DTTS phía Bắc, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội Lồng Tồng của người Tày và hội thi Chọi Bò của người Mông tại xã Quảng Hòa, hay chợ phiên của người Mông ở xã Đắk Som lại được tổ chức rất lớn và có rất đông người tham gia.

ADQuảng cáo

Tại các liên hoan văn hóa hay hội diễn văn nghệ thường kỳ của ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên và Đắk Nông ngày càng có nhiều sự hiện diện các tiết mục mang sắc màu văn hóa văn nghệ các DTTS phía Bắc. Chúng ta đã quen thuộc khi thấy trên sân khấu hay trong các lễ hội xuất hiện cây đàn tính và điệu hát then của người Tày Nùng, những tiếng khèn và điệu múa ô của người Mông, múa gậy của người Dao, múa xòe của người Thái, hay ném còn trong lễ hội của người Mường…

Gần đây, ẩm thực mang phong cách dân gian, truyền thống của đồng bào các DTTS phía Bắc được nhiều người biết đến. Món lợn quay và vịt quay nhồi lá mắc mật rất thơm ngon không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là lễ vật trong đám cưới của người Tày hay các nhà hàng ẩm thực ở Đắk Nông. Món gà xào gừng đậm đà của người Dao, cá trắng suối nướng lửa than và nhâm nhi với chén rượu gạo đậm nồng của người Mường được nhiều người ưa thích v.v…

Có thể thấy, sau những tháng năm vất vả vì mưu sinh, khi cuộc sống khá lên, đói nghèo và cơm áo không còn là nỗi lo thường trực, thì đồng bào các DTTS phía Bắc lại có nhu cầu tìm về cội nguồn văn hóa của mình. Đây là điều đáng mừng, khi mà bà con đồng bào các DTTS nói chung không chỉ tự chủ được đời sống vật chất cũng như món ăn tinh thần, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và đóng góp vào văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất mới.

Để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS nói chung, ngành văn hóa cần động viên bà con mang văn hóa truyền thống, cả nghệ thuật diễn xướng lẫn nghề thủ công, nghệ thuật ẩm thực dân gian tham dự các liên hoan, ngày hội văn hóa, ngày hội Đoàn kết các dân tộc... Qua đó nhằm tôn vinh, giúp bà con tự mình bảo tồn văn hóa truyền thống, duy trì, phát triển văn hóa mưu sinh từ các hoạt động và sản phẩm văn hóa trong cơ chế thị trường đầy biến động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc trên đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO