Văn hóa đọc sẽ có điều kiện duy trì, phát triển mạnh mẽ

Mỹ Hằng thực hiện| 12/06/2015 09:27

Nhân dịp tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức Sơ khảo Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ phó Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xung quanh vấn đề văn hóa đọc hiện nay.

ADQuảng cáo

PV: Thưa bà, hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ, nguồn sách báo điện tử, báo mạng ra đời đã có tác động không nhỏ đến việc đọc sách giấy. Vậy bà đánh giá như thế nào về văn hóa đọc hiện nay?

Bà Vũ Dương Thúy Ngà

Bà Vũ Dương Thúy Ngà: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, sách báo điện tử…văn hóa đọc đã có sự biến đổi, khiến không ít người lo ngại, nhưng đó chỉ là biểu hiện mang tính tượng trưng.

Thực tế, tại nhiều thư viện công cộng và thư viện trường học, số lượng độc giả đến mượn, đọc sách vẫn rất nhiều. Đối với rất nhiều người, ngay cả học sinh, sách vẫn là niềm đam mê cháy bỏng không gì có thể thay thế được, cho dù cuộc sống có nhiều sự lựa chọn để giải trí.

Gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc đọc của người dân. Điển hình, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam và hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tin tưởng văn hóa đọc sẽ có điều kiện để duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Vậy để góp phần nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân thì cần có những việc làm cụ thể như thế nào, thưa bà?

ADQuảng cáo

Bà Vũ Dương Thúy Ngà: Để nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân cần có sự chung tay của toàn xã hội và có rất nhiều việc cần phải làm. Cụ thể, về phía Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho hệ thống thư viện để hình thành môi trường đọc hiện đại, với nhiều tài liệu phong phú có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng đọc khác nhau cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển văn hóa đọc. Về phía các nhà xuất bản, cần phát hành những cuốn sách hay, chất lượng, có giá trị khoa học, nhân văn cao, có khả năng hấp dẫn với bạn đọc, tránh chạy theo lợi nhuận hoặc theo thị hiếu của thị trường…

Riêng hệ thống thư viện cần tăng cường hơn nữa phương thức phục vụ bạn đọc, giới thiệu sách, quảng bá nguồn lực, các sản phẩm cũng như dịch vụ của mình đến với bạn đọc. Về phía nhà trường, các thầy cô giáo cần quan tâm đến việc đọc sách của học sinh, sinh viên. Trong gia đình, cha mẹ chú ý đến việc đọc sách của con cái và xây dựng tủ sách riêng.

Sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức vô tận. Ảnh tư liệu

PV: Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2015 có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao văn hóa đọc, thưa bà?

Bà Vũ Dương Thúy Ngà: Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển văn hóa đọc ở khắp mọi miền Tổ quốc. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chủ trương tổ chức liên hoan ở 2 vòng: sơ khảo và chung kết.

Vòng sơ khảo có sự tham gia của cán bộ thư viện ở 63 tỉnh, thành trong cả nước, được chia ra làm 6 khu vực để lựa chọn ra 16 đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết tại Quảng Ngãi vào tháng 8 tới. Với chủ đề “Việt Nam, đất nước, con người”, bằng hình thức tuyên truyền hấp dẫn, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cũng như các minh họa được sân khấu hóa, cán bộ thư viện các tỉnh, thành có dịp giao lưu, học hỏi, mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết về công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, xây dựng văn hóa đọc trong nhân dân. Liên hoan cũng nhằm giới thiệu các loại sách báo, tư liệu về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, ý thức chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa đọc sẽ có điều kiện duy trì, phát triển mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO