Tuyên truyền để người dân bảo vệ, hưởng lợi từ di sản Công viên địa chất Krông Nô

Đức Hùng| 17/02/2017 10:37

Các hoạt động tuyên truyền về di sản Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô đang được Ban quản lý Công viên địa chất phối hợp với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện.

ADQuảng cáo

Ngoài những thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp tổ chức 25 lớp tuyên truyền, tập huấn để cung cấp những kiến thức về địa chất của hang động núi lửa, cách bảo vệ, phát huy giá trị di sản đến tận thôn, buôn, các trường học trên địa bàn.

Thời gian qua, các cán bộ, trưởng thôn, bon trên địa bàn huyện Krông Nô đã được tham gia lớp học về nâng cao nhận thức về địa chất và di sản địa chất. Qua lớp học, nhiều học viên đã được tiếp cận với các hình ảnh, thực địa, kiến thức về địa chất tại địa phương.

Bên trong hang động núi lửa Krông Nô

Anh Y Thương K’Bin, ở thôn Buôn Chóah (xã Buôn Choáh) cho hay: Tôi là một người dân trong địa bàn Buôn Choáh, được sở hữu di sản văn hóa trong địa bàn là một vinh dự lớn. Tôi nhận thức những giá trị thiên nhiên ban tặng cho con người rất quý giá, cần duy trì, bảo tồn và ngăn chặn các tác động của con người làm thay đổi địa chất. Việc tuyên truyền, nâng tầm hiểu biết cho người dân về địa chất núi lửa làm cơ sở để bảo tồn cho con cháu mai sau. Có một số người vào đây có những hành động làm ảnh hướng tới di sản thì người dân sống trong vùng di sản có nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền giải thích để mọi người nhận biết giá trị, tầm quan trọng của di sản để cùng nhau bảo tồn và duy trì.

ADQuảng cáo

CVĐC núi lửa tại Krông Nô được các nhà chuyên môn đánh giá có tiềm năng địa chất rất lớn và các yếu tố về thiên nhiên, con người, về di sản thiên nhiên và di sản văn hóa, địa phương cũng rất giàu tiềm năng. Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô lấy huyện Krông Nô làm chủ đạo sau đó sẽ phát triển sang một số xã của huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song.

Tiến sĩ La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, Nghiên cứu viên chính Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhấn mạnh “Người dân sở tại là người bảo vệ và hưởng lợi khi khai thác di sản. Vì thế cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân, huy động họ tham gia vào các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản”.

Tiến sĩ Phúc cho biết thêm: “CVĐC thực hiện tôn chỉ khai thác để bảo tồn và bảo tồn để khai thác. Bảo tồn nhưng không có nghĩa là cứng nhắc, phải quản lý và khai thác giá trị của nó để phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch phát triển tới đâu có những ngành nghề khác phát triển tới đó để phục vụ dịch vụ du lịch. Làm sao gấp rút đẩy mạnh bảo tồn, cắm mốc, thông báo rộng rãi cho người dân biết “đây là điểm di sản” khi đã pháp lý hóa được như thế rồi mới có cơ sở để thực hiện luật. Tôi hy vọng rằng, người dân sẽ hiểu sau khi mở những lớp tuyên truyền, chính người dân sở tại là người bảo vệ di sản và cũng là người đầu tiên hưởng lợi khi khai thác di sản".

Về phía địa phương huyện Krông Nô, thời gian qua, UBND huyện đã để các biển báo ở những cổng vào hang, điểm ranh giới khu vực cần bảo vệ, tổ chức các đợt vào hang để dọn vệ sinh do du khách tự phát vào hang.

Ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu và bảo vệ là chính, vì CVĐC nằm trên một địa bàn rộng lớn. Hệ thống hang động nguy hiểm, địa tầng, địa chất độ an toàn thấp. Khu công viên địa chất nằm trên địa bàn rộng lớn để tự phát rất khó quản lý. Thời gian qua, người dân, khách du lịch trong nước tự phát đến khu vực hang động rất đông. Ban Quản lý đang nỗ lực, cùng với chính quyền, người dân địa phương bảo vệ, giữ nguyên bản để Ủy ban UNESCO xem xét, công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào khoảng cuối năm 2018.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền để người dân bảo vệ, hưởng lợi từ di sản Công viên địa chất Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO