Tuy Đức quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Mỹ Hằng| 15/07/2016 15:30

Những năm qua, huyện Tuy Đức luôn chú trọng đầu tư và huy động sức dân để từng bước hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

ADQuảng cáo

Cuối năm 2015, Nhà văn hóa thôn 1, xã Quảng Tâm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con trong thôn. Nhà văn hóa có diện tích hơn 150 m2, cùng các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đều do nhân dân đóng góp với trị giá hơn 200 triệu đồng.

Buổi truyền dạy đan lát tại nhà văn hóa bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Ông Đinh Văn Thư, trưởng thôn 1 cho biết: “Từ khi có nhà văn hóa, phong trào văn nghệ, thể thao của bà con trong thôn thay đổi rõ rệt. Trước đây, thôn rất muốn tổ chức các giải thể thao, các hoạt động giao lưu văn nghệ nhưng không có chỗ. Giờ đây, nhà văn hóa thôn được xây mới rộng rãi, khang trang, tạo điều kiện cho bà con có nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao…Qua đó, cộng đồng dân cư thêm phần gắn kết, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Không riêng gì thôn 1, xã Quảng Tâm, mà với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, 53/75 thôn, bon, bản trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có nhà văn hóa, khu thể thao, được sử dụng vào nhiều mục đích, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bà con. Huyện cũng có 1 thư viện huyện; 3 điểm bưu điện văn hóa xã với hơn 4.390 bản sách phục vụ bạn đọc; 6 trạm truyền thanh; 10 sân bóng đá nhân tạo, 52 sân bóng chuyền...

ADQuảng cáo

Hiện nay, toàn huyện có 61 bộ chiêng, 1 nghệ nhân chỉnh chiêng, 24 nghệ nhân dạy đánh chiêng, 72 nghệ nhân diễn tấu chiêng, 7 đội nghệ nhân đánh chiêng, 8 đội văn nghệ dân gian…Bằng các hoạt động tại các nhà văn hóa, đội ngũ nghệ nhân này đã sinh hoạt, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, trao đổi thông tin, rèn luyện thân thể, có sức khỏe làm việc, lao động, xây dựng quê hương. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, dân ca, dân vũ, dệt thổ cẩm… được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy cũng một phần bắt nguồn từ những nhà văn hóa đơn giản ở xã, thôn. Với những ý nghĩa, vai trò to lớn đó, huyện Tuy Đức luôn quan tâm đến việc bố trí địa điểm, có đề án, phương án cụ thể để xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao ở cơ sở.

Đội chiêng nữ bon Bu Đách, xã Đắk R'tíh luyện tập các bài chiêng

Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cũng được đẩy mạnh. Cùng với sự đầu tư ngân sách của huyện, các tổ chức, cá nhân cũng được khuyến khích, chủ động đóng góp các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ngoài đóng góp công sức, tiền của, nhiều hộ dân còn tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa thôn. Các xã, thôn đã tự khai thác, tự tìm cách tạo nguồn kinh phí chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Phải khẳng định, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước được đầu tư xây dựng đã phát huy vai trò, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO