Trường Sơn mạch nguồn cảm hứng bất tận trong văn học

Hoài An (t.h)| 30/10/2020 13:52

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, con đường hào hùng và anh dũng không chỉ được miêu tả chân thực qua những trận đánh, qua những chiến công, qua những tấm gương quả cảm mà còn lắng đọng qua những trang văn, vần thơ. Đối với người đọc nhiều thế hệ, Trường Sơn cùng những người lính Trường Sơn năm nào mãi còn trong sử sách.

ADQuảng cáo

Với bộ đội 559, với bộ đội Tây Nguyên, hai chữ Trường Sơn cho dù chiến tranh đã lùi xa 10, 20... hay dăm chục, một trăm năm sau nữa thì những năm tháng gian khổ hy sinh đầy chất bi hùng, huyền thoại vẫn mãi còn trong ký ức của họ bởi: Tây Nguyên ơi, ai một lần đến đó/Suốt một đời nhớ lại vẫn thương nhau. 

Văn nghệ sĩ cũng đã trở thành những người lính đặc biệt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Họ được những người lính chiến đấu dọc con đường huyền thoại này đùm bọc, bảo vệ, tạo nguồn hứng cảm bất tận để viết ra những vần thơ. Những bài thơ ấy đã góp phần động viên, xốc dậy tinh thần và làm nức lòng Nhân dân hai miền Nam-Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Văn công biểu diễn trên Đường Trường Sơn

Điều đặc biệt thú vị là những cuốn sách đầu tiên viết về Trường Sơn, Tây Nguyên là những người lính, những nhà văn quân đội. Người phải kể đầu tiên là nhà văn Nguyên Ngọc. Ra Bắc tập kết có chừng hai năm, ông cho trình làng luôn cuốn tiểu thuyết viết về Tây Nguyên nổi tiếng “Đất nước đứng lên”. Nhà văn Xuân Thiều cũng là nhà văn có những trang viết đáng nhớ về miền đất này. Trước khi về công tác ở "phố nhà binh”, ông đã có nhiều năm tháng chiến đấu dọc Trường Sơn với tư cách là phóng viên mặt trận với bút danh Nguyễn Thiều Nam. “Thôn ven đường” - tiểu thuyết; “Chiến đấu trên mặt đường” - ký sự cùng các truyện dài, truyện ngắn: “Chuyện làng Rapồng”, "Truyền thuyết Quán Tiên”… là những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội và Nhân dân ta trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn những năm ác liệt. Có một vị tướng cùng thời với Nguyên Ngọc và Xuân Thiều viết ít nhưng kỹ tính trong văn chương, đó là ông Nguyễn Chí Trung. Ông cũng là nhà văn “từ trong rừng ra”. Nói đến ông là người đọc nghĩ ngay tới “Bức thư làng Mực” viết năm 1969. “Bức thư làng Mực” như bài ca ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ông là nhà văn có gắn bó máu thịt với Trường Sơn, Tây Nguyên... Nhà văn Lê Lựu cũng gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559. Ông nổi tiếng bởi các tiểu thuyết "Thời xa vắng”, "Chuyện làng Cuội” và nhiều cuốn sách khác viết về nhà quê, về nông thôn Bắc Bộ… nhưng người ta vẫn cứ bảo ông là nhà văn của 559 bởi vì ông vào Trường Sơn từ những năm đầu của công cuộc mở đường - mở rừng. Ông có tiểu thuyết “Mở rừng” viết về con đường huyền thoại này từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Nói về những người lính, những nhà văn đã mang cả Trường Sơn hùng tráng vào văn học còn phải kể đến nhiều tên tuổi khác. Ấy là một Nguyễn Minh Châu với những “Dấu chân người lính”, “Những người đi từ trong rừng ra” cùng “Những cánh rừng đầy giấy bay”; một Nguyễn Khải với “Tháng ba ở Tây Nguyên”; một Khuất Quang Thụy “Trong cơn gió lốc”…, rồi một Trung Trung Đỉnh với cuộc “Lạc rừng ”, "Lính trận”... Đó là những tác phẩm văn xuôi xuất sắc viết về Tây Nguyên - Trường Sơn của các nhà văn áo lính. Những tác phẩm mà nói đến con đường huyền thoại Trường Sơn, nói đến một thời “xẻ dọc Trường Sơn” của dân tộc ta, người đời sau không thể không nhắc tới!

ADQuảng cáo

Riêng với thơ, có thể nói, Trường Sơn là nét độc đáo và nổi bật của văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng và cả nền văn học cách mạng nói chung. Những nhà thơ “ra đời trong bão táp” thời ấy thật đông đảo và tài năng. Họ không chỉ là người lính cầm súng mà chính lòng yêu nước và tâm hồn lãng mạn cách mạng đã chắp cánh cho họ làm nên những bài thơ sống mãi với thời gian. Và cũng có thể nói, Trường Sơn đã sản sinh những nhà thơ tài hoa. Có nhà phê bình văn học đã nói, chính các nhà thơ thế hệ chống Mỹ đã làm nên “một thời đại trong thơ ca Việt Nam”.

Và nói đến thơ viết về Trường Sơn và những người lính Trường Sơn, không thể không nói tới nhà thơ-chiến sĩ Phạm Tiến Duật, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người cũng có nhiều bài thơ hay viết về Trường Sơn có lần nói, chính anh Duật là người đầu tiên đã đưa được cả Trường Sơn vào thơ, về thành phố, về Hà Nội. Có những khi vui chuyện, nhà thơ nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Duật! Lại có lần ông kể lại một câu chuyện vui: “Khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) có người bảo cảm ơn mình vì câu thơ “muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, mình cười: “Ô hay, sao lại cảm ơn Duật? Phải cảm ơn muỗi chứ!”.

Đề tài Trường Sơn có sức sống thật lâu bền hay như người ta vẫn nói, ấy là mảnh đất mỡ màu cho những người cầm bút các thế hệ, đặc biệt là những nhà văn áo lính hôm nay... Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sinh ra ở vùng gió Lào cát trắng dưới chân dãy Trường Sơn vốn là lính của Binh đoàn 12 - bộ đội Trường Sơn. Những bài thơ đầu tiên của ông là những bài viết về Trường Sơn và ông được mọi người biết đến cũng là nhờ những bài thơ viết về Trường Sơn, trong đó nổi nhất là bài "Khát vọng Trường Sơn” viết dâng hương hồn 10.000 liệt sĩ đang nằm lại Nghĩa trang Trường Sơn với những câu: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa… Bài thơ được trao giải cao nhất trong một cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (năm 1996) và được tới 3 nhạc sĩ (Phạm Tuyên, Võ Thế Hùng, Văn Chừng) phổ nhạc thành ba bài hát cùng tên. Hơn 30 năm khoác áo quân nhân, trong đó có gần 20 năm là lính Trường Sơn, những trang viết của anh (cả thơ, bút ký, truyện ngắn) dường như trang nào, dòng nào cũng in đậm chất Trường Sơn, dấu ấn Trường Sơn.

Hơn 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cũng là từng ấy năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, có một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sơn mạch nguồn cảm hứng bất tận trong văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO