Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ 3): Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Lam Giang| 26/01/2018 10:10

Điểm đảo Đá Tây A hiện lên trong mắt chúng tôi không chỉ là chốt tiền đồn vững chắc mà còn là một âu thuyền mênh mông, yên bình - nơi trú tránh bão, tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước ngọt, khám chữa bệnh, sửa chữa tàu cho ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực.

ADQuảng cáo

Đến điểm đảo Đá Tây A, điều đầu tiên bất ngờ đối với mỗi người là được chỉ huy điểm đảo đưa đến dâng hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt ngay phía trước âu thuyền. Am thờ anh hùng Lý Thường Kiệt và bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” được khắc trên đá, phía trước có bát hương, bệ bia khắc hình trống đồng.

Giữa biển khơi, thành kính thắp nén hương thơm, đọc những vần thơ hào hùng, đanh thép khẳng định chủ quyền lãnh thổ càng thấy tự hào, thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do, toàn vẹn của Tổ quốc mà lớp lớp ông cha bao đời xây dựng, gìn giữ.

Thành kính thắp nhang nơi am thờ anh hùng Lý Thường Kiệt

Theo chỉ huy đảo Đá Tây A thì người dân đi biển, giữa muôn trùng sóng nước nhiều hiểm nguy đã lấy đền thờ Lý Thường Kiệt làm chỗ dựa tinh thần vững chắc để như được tiếp thêm sức mạnh vững vàng ra khơi, bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thiếu tá Bùi Văn Tiếp, Đảo trưởng Đảo Đá Tây A khẳng định: "Bài thơ như nhắc nhở chúng tôi rằng, chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc dù ở đâu đều vô cùng thiêng liêng, các thế hệ con Lạc, cháu Hồng phải giữ gìn bằng được cho tới muôn đời sau".

Đặt chân lên đảo Đá Tây A, các thành viên trong đoàn hết sức ấn tượng trước cảnh nhộn nhịp, tấp nập tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, khám bệnh, xin xác nhận đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống Trường Sa… tại âu tàu ở đảo, không khác gì một cảng cá ở đất liền.

Có được điều này chính là nhờ đặc điểm của đảo Đá Tây A được hình thành bởi hoạt động của một dãy núi lửa ngầm dưới đáy biển từ hàng triệu năm, có vành đai phía ngoài cao, ở giữa lõm xuống tạo thành hồ có độ sâu từ vài chục tới cả trăm mét. Tận dụng lợi thế đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp với Quân chủng Hải quân và các bộ ngành đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo.

ADQuảng cáo

Âu tàu điểm đảo Đá Tây A luôn có đông tàu thuyền của ngư dân neo đậu

Khu dịch vụ có khả năng phục vụ toàn diện cho nhu cầu đánh bắt xa bờ của ngư dân tại ngư trường Trường Sa. Âu tàu có khả năng neo đậu cùng lúc cho khoảng 200 tàu cá, cho phép tàu có tải trọng 1.000 tấn ra vào. Hệ thống đê, kè chắn sóng kết hợp làm cảng neo đậu tàu cá và hệ thống phao neo đậu tàu cá trong âu. Khu dịch vụ còn cung cấp đầy đủ các nhu cầu hậu cần cho tàu cá đánh bắt xa bờ như: Nhà máy sản xuất đá lạnh có công nghệ làm nước ngọt trực tiếp từ nước biển; kho cung cấp xăng dầu và nhà máy cung cấp nước ngọt. Cơ sở cơ khí có khả năng sửa chữa cho các tàu cá có công suất tới 600CV…

Ngư dân lấy đá từ Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A để tiếp tục bám biển dài ngày

Theo ông Chu Minh Sơn, Ban Quản lý Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A thì hoạt động của đơn vị mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa. Bởi vùng biển Trường Sa cách đất liền khoảng 500 km, thời tiết khắc nghiệt, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tại ngư trường này thường phải kéo dài từ 1,5 đến hơn 2 tháng tùy vào mùa vụ, nên việc chuyên chở đủ nước ngọt, đá lạnh từ đất liền ra đảo để bám trụ đánh bắt hải sản là một điều hết sức khó khăn, tốn kém. Rồi những cơn bão thường xuyên xuất hiện ở vùng biển này gây hư hại cho tàu thuyền, làm ngư dân bị thương, đau ốm…Vì vậy, từ khi Khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A đi vào hoạt động đã giúp ngư dân vững tâm bám biển dài ngày.

Ngư dân Trần Văn Nhân, tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Từ ngày Trung tâm dịch vụ ở đảo Đá Tây A đi vào hoạt động, tụi tui vui quá trời, bởi không còn phải vận chuyển đá lạnh tốn kém, mà còn thoải mái ở lại Trường Sa bao lâu cũng được”.

Có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A, tàu của ngư dân khi hư hỏng có thể được sửa chữa ngay ngoài đảo không phải vào đất liền

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Vũ Văn Tám, theo quy hoạch, tại quần đảo Trường Sa, đến năm 2020 sẽ có 6 khu neo đậu kết hợp cảng cá tại các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Tây và Nam Yết. Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần cho các đảo, sau đó làm cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại duyên hải Nam Trung bộ. Bên cạnh sự giúp đỡ của lực lượng Hải quân đồn trú tại các đảo, nhà giàn, hoạt động của các khu neo đậu kết hợp cảng cá ở Trường Sa là nguồn tiếp sức lớn lao cho những chuyến vươn khơi, làm chủ Biển Đông của ngư dân nước ta.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ điểm đảo Đá Tây A, chúng tôi nhớ mãi câu nói của Thiếu tá Bùi Văn Tiếp: “Những người lính hải quân, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thì luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân yên tâm khi đi biển, tạo nên một ngư trường sôi động trên quần đảo Trường Sa".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ 3): Điểm tựa cho ngư dân bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO