Trống - Vũ khí tinh thần chống ngoại xâm của đồng bào M’nông, Ê đê

Anh Bằng| 22/08/2014 09:50

Những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi quân Xiêm và thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đứng lên cầm vũ khí đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước. Ngoài gươm, đao, giáo mác... trống được xem là công cụ quan trọng, phụ trợ đắc lực sức mạnh quân sự cho các lực lượng nghĩa quân đánh giặc.

ADQuảng cáo

Ông Y Nhân H'Dơt, trú tại thôn K62, xã Băng Aranh, Krông Ana (Đắk Lắk) là cháu ba đời của vị thủ lĩnh N’Trang Gưh (gọi N’Trang Gưh là cậu ruột) đã nhượng lại cho tỉnh Đắk Nông một bộ Tang H’gơr gồm 4 cái (loại chiêng có kích thước nhỏ, thường treo trên đầu trống).

Ông cho biết, giai đoạn 1884 - 1887 và 1900 – 1914, khi quân Xiêm và thực dân Pháp tiến sâu vào lưu vực sông Krông Nô, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh N’Trang Gưh, đồng bào Ê đê Bih đã đứng lên cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ buôn làng.

Trong các trận đánh, nghĩa quân N’Trang Gưh treo Tang H’gơr trên đầu trống. Khi đánh tiếng trống vang lên hoà quyện cùng tiếng Tang H’gơh phát ra âm thanh hùng hồn, làm tăng khí thế chiến đấu mãnh liệt và dũng cảm của nghĩa quân.

Theo ông, Tang H’gơr chỉ là nhạc khí phụ trợ cho trống, còn trống vẫn là công cụ cốt lõi trong các cuộc đối đầu với địch để tạo sức mạnh tổng hợp của lực lượng nghĩa quân. Như vậy, trống vừa là nhạc khí khá độc đáo, vừa là vũ khí tinh thần công hiệu đáng kinh ngạc mà người Ê đê Bih sử dụng trong đấu tranh chống ngoại xâm.

Di vật Tang H’gơr dùng để treo trên đầu trống của nghĩa quân N’Trang Gưh

Không chỉ riêng đồng bào M’nông, Ê đê mà từ xa xưa ông cha ta đã dùng trống để làm phương tiện và vũ khí tinh thần sắc bén trong đấu tranh chống ngoại xâm; dùng trống để thể hiện quyền lực chính trị, quân sự của các thủ lĩnh; thể hiện uy quyền quân sự hùng mạnh của một quốc gia trong các vùng miền và lãnh thổ tự trị ở từng địa phương.

Thời phong kiến, trống đã được các bậc tiền nhân sử dụng trong quân đội. Theo cuốn Hậu Hán thư - sách chính sử của Trung Quốc thì trong đấu tranh chống đô hộ phương bắc, khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên) thất bại, quân đội nhà Hán do tướng Mã Viện chỉ huy đã thu hồi rất nhiều trống của các thủ lĩnh Hai Bà Trưng. Điều đó minh chứng cho giá trị sức mạnh về quân sự của trống ở buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Khi Pháp mở rộng bộ máy cai trị xuống nam Tây Nguyên, các cuộc đấu tranh vũ trang của đồng bào bản địa lại diễn ra sôi nổi, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Ama Jhao 1890-1904 và cuộc khởi nghĩa do tù trưởng Oi H’Mai lãnh đạo 1903 - 1909.

ADQuảng cáo

Trong cuộc đấu tranh này, nghĩa quân Ama Jhao và Oi H’Mai đã dùng trống của buôn làng mình để tập hợp lực lượng quân sự, thanh niên trai tráng, kể cả người già, phụ nữ đều quy tụ dưới tiếng trống của nghĩa quân xung trận giết giặc.

Tiếng trống của Ama Jhao và Oi H’Mai đã thu hút được sức mạnh và ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết cộng đồng của người M’nông, Ê đê, họ gắn bó bên nhau chung sức chung lòng, vượt qua chông gai đạn lửa bảo vệ buôn làng.

Trong đấu tranh chống Pháp, suốt hơn 20 năm (1911 - 1935) dưới tiếng trống của vị thủ lĩnh N’Trang Lơng, đồng bào M’nông đã tập hợp và đoàn kết lại đánh bại nhiều cuộc càn quét, bình định của thực dân trên cao nguyên M’nông.

Hiện nay, tại Bảo tàng Đắk Nông còn lưu giữ di vật tang trống của nghĩa quân N’Trang Lơng, minh chứng cho một thời kỳ chống ngoại xâm của đồng bào M’nông mà trống là công cụ chiến đấu có sức thuyết phục và khích lệ tinh thần thượng võ, tinh thần yêu nước của dân tộc.

Ông Điểu Siêng, cháu ba đời của R’Ong Leng (một trong những thủ lĩnh của N’Trang Lơng), trú bon Bu Nor 2, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cho biết: “Thời kỳ đánh Pháp, mỗi khi ra trận nghĩa quân N’Trang Lơng mang theo trống để đánh, tiếng trống vang lên hoà cùng tiếng hò reo của lực lượng nghĩa quân, phát ra âm thanh hùng tráng, làm tăng khí thế đánh giặc mạnh mẽ, tinh thần nghĩa quân phấn chấn, hăng hái, nhất tề một lòng giết giặc.

Trống của đồng bào M’nông, Ê đê là sản phẩm của một nền văn minh nông nghiệp. Chức năng chủ yếu là nhạc khí, âm thanh có phần đơn điệu nhưng lại đánh thức được tâm tư, thôi thúc và khơi dậy những cảm xúc mãnh liệt trong lòng người.

Lịch sử đã cho thế hệ đương đại thấy rằng, tiếng trống của nghĩa quân N’Trang Gưh và N’Trang Lơng một thời có sức lan tỏa, động viên lớn lao đến như vậy, nó quy tụ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đứng lên đập tan quân xâm lược, giành lại độc lập tự do và bình yên cho bon làng.

Ngày nay, trống của người M’nông, Ê đê trở thành di sản văn hóa truyền thống quý giá với công năng độc đáo trong các ngày hội, các sự kiện lớn của địa phương và khu vực... tiếp nối những trang sử hào hùng, oanh liệt của cha ông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trống - Vũ khí tinh thần chống ngoại xâm của đồng bào M’nông, Ê đê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO