“Tiếp sức” cho nghề dệt thổ cẩm M’nông

Bài, ảnh: Thanh Nga| 09/11/2018 10:20

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của phụ nữ M’nông nhưng do nhiều nguyên nhân nên ít nhiều đang gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển. Trước thực tế đó, đồng bào bon Jăng Plây 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) vẫn đang cố gắng lưu truyền nghề, góp phần tạo nên sức sống cho thổ cẩm M’nông.

ADQuảng cáo

Lưu giữ nét văn hóa

Dệt thổ cẩm đã trở thành niềm đam mê của các bà, các chị trong bon Jăng Plây 3 từ nhiều năm qua và hiện vẫn vậy.

Chị em Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3 chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm

Bà H’Jông biết dệt thổ cẩm từ khi mới 12 tuổi chia sẻ: “Bà rất thích dệt thổ cẩm, cứ khi nào rảnh rỗi là lại ngồi dệt. Trước đây, nguyên liệu thường được làm từ bông, rễ cây rồi se lại thành sợi nhưng ngày nay bà con thường mua sợi làm len về dệt. Hoa văn đặc trưng gồm hình ảnh về cỏ cây, hoa lá, chim, muông thú, hay dụng cụ làm nương rẫy như rìu, gùi… Màu sắc của thổ cẩm M’nông chủ yếu là màu xanh, đen, đỏ, nâu hoặc vàng, tím, trắng”.

Bà H’Pơl 65 tuổi có 50 năm dệt thổ cẩm là một trong số những bậc cao niên có tay nghề của bon rất tâm huyết trong việc truyền nghề cho con cháu. Bà chia sẻ: “Ngày xưa, bà xem các mẹ, các bà dệt rồi thành thạo. Trang phục và đồ dùng cần thiết trong gia đình như váy, khố, khăn, chăn, gối, túi… đều do các bà, các mẹ tự dệt. Ngày nay, bà con đa số mặc quần áo, váy may sẵn, nên nghề dệt thổ cẩm mai một dần và lớp trẻ ít người biết dệt. Với mong muốn lưu giữ truyền thống, các bà, các mẹ trong bon đã tập hợp lại để truyền nghề cho các thế hệ sau”.

Đối với đồng bào M’nông, một người phụ nữ dệt thổ cẩm đẹp là thể hiện sự đảm đang, khéo léo và biết truyền dạy lại cho con cháu. Chính vì vậy mà nhiều năm nay, có thời gian rảnh rỗi là chị em trong Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3 lại tập trung dệt thổ cẩm. Các mẹ, các chị dệt giỏi thì chia sẻ, chỉ bảo cho các con, các em mới học. Cứ thế, đến nay, bon Jăng Plây 3 đã có hơn 30 chị biết dệt thổ cẩm.

Hướng mở cho dệt thổ cẩm

Tuy nhu cầu về sử dụng các sản phẩm thổ cẩm không nhiều nhưng thực tế đời sống của đồng bào M’nông vẫn còn lưu giữ nét văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình.

Chị H’ Đin, Chi hội phó Chi hội phụ nữ bon Jăng Plây 3 cho biết: “Từ xưa tới nay, bà con trong các bon làng vẫn còn sử dụng các sản phẩm dệt thổ cẩm. Chẳng hạn, khi con gái đi lấy chồng thì mẹ tặng cho cái chăn hoặc một cái áo để làm quà kỷ niệm cũng như dệt khăn, chăn, váy, khố… để trao tặng bên nhà chồng. Đáp lại, nhà chồng cũng có thể đáp lễ bằng những lễ vật từ thổ cẩm. Hiện tại, trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng, bà con vẫn mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, trông rất đẹp”.

ADQuảng cáo

Sản phẩm thổ cẩm là một trong những lễ vật được đồng bào M’nông dùng làm quà tặng trong dịp cưới, hỏi

Trong mỗi gia đình của đồng bào M’nông hiện nay đều có những sản phẩm từ dệt thổ cẩm để dùng hàng ngày. Chẳng hạn như chăn, mền để đắp. Túi dùng để trẻ con đựng sách vở đi học hoặc người lớn dùng khi đựng thức ăn, đồ dùng khi đi làm rẫy… Những món quà ý nghĩa từ thổ cẩm để tặng trong ngày cưới và trang phục mặc trong các dịp lễ hội và những đồ dùng sinh hoạt thường ngày là nét văn hóa từ bao đời của đồng bào M’nông.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số gia đình lưu giữ nghề hoặc biết dệt thổ cẩm. Và đồng bào cũng có nhu cầu mua, bán sản phẩm thổ cẩm, nên đây là lý do để dệt thổ cẩm của người M’nông vẫn được duy trì, truyền nối. Các bà, các chị ở bon Jăng Plây 3 vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để dệt, vừa phục vụ cuộc sống của gia đình, vừa bán để có thêm thu nhập.

Chị H’Đin cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm được các chị em phát huy từ khoảng chục năm nay nhưng 5 năm trở lại đây thì nhiều người ở các bon khác biết đến nên đặt hàng nhiều. Đa số các sản phẩm dùng thường xuyên thì lúc nào các chị cũng có sẵn để bán. Những bà, những chị dệt giỏi mỗi tháng có thể dệt bán được khoảng 2- 4 triệu đồng, ít thì khoảng 1 triệu đồng”.

Qua tìm hiểu từ nghề dệt thổ cẩm ở bon Jăng Plây 3 cho thấy, mẫu mã đã có những cải tiến, cách tân cho phù hợp với thị hiếu hiện nay nhưng cơ bản vẫn giữ nét riêng của đồng bào M’nông. Hiện nay, các bà, các chị đã dệt nên những chiếc áo kiểu dáng như áo vét hay những túi xách có thể làm quà lưu niệm khi khách du lịch đến Đắk Nông.

Một số sản phẩm thổ cẩm của Chi hội phụ nữ bon Jâng Plây 3 đã được cách tân

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm và tạo điều kiện phát triển nghề dệt thổ cẩm ở địa phương. Trong đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em bon Jăng Plây 3. Mới đây, trong khuôn khổ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã khảo sát, tạo điều kiện, giúp chị em dệt thổ cẩm của bon Jăng Plây 3 thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Sản phẩm thổ cẩm do chị em làm ra cũng sẽ được tạo điều kiện để vươn ra thị trường, phát triển phục vụ du lịch.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Hội mong muốn thông qua chương trình khởi nghiệp, chị em có điều kiện sáng tạo, lưu giữ văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông tốt hơn và vươn lên phát triển kinh tế. Hội cũng đang kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, bạn bè trong và ngoài tỉnh tăng cường quảng bá nghề dệt thổ cẩm của chị em dân tộc M’nông. Hiện tại, các thông tin về dệt thổ cẩm của đồng bào M’nông đã được đưa lên các trang thông tin điện tử để quảng bá văn hóa dệt thổ cẩm của người M’nông.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của chị em và sự quan tâm của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, thổ cẩm của đồng bào M’nông nói chung và chị em ở bon Jăng Plây 3 nói riêng sẽ được nhiều người biết đến, trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếp sức” cho nghề dệt thổ cẩm M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO