Tiến về Hà Nội - “khúc ca khải hoàn”của người Hà Nội

Hoài An (t.h)| 09/10/2020 09:11

Trùng trùng quân đi như sóng… lớp lớp đoàn quân tiến về..." giai điệu trầm hùng, lời ca trong sáng như vẽ lên cảnh đoàn quân chiến thắng tiến vào Thủ đô tháng 10/1954. Thế nhưng trên thực tế, bài hát "Tiến về Hà Nội" của cố nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.

ADQuảng cáo

Hoàn cảnh ra đời

Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, cố nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội” vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Vì hoàn cảnh chiến tranh lúc đó là "thời kỳ cầm cự" có thể chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ nên ông đã mang theo vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay là Hà Nội. Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Về nhiệm vụ công tác, ông phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Trong một buổi họp Chi hội Văn nghệ Liên khu 3, ông đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, cố nhạc sĩ đã cùng ăn cơm với đồng chí Lê Quang Đạo và nghe đồng chí Đạo tâm sự rằng nếu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình; khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Quân đội nhân dân Việt Nam từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừngcờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN

ADQuảng cáo

Đêm hôm ấy, cố nhạc sĩ đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với ông "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...". Chỉ hai tuần lễ sau đó ông đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội" khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của ông đã được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy.

"Tiến về Hà Nội" vẫn tràn sức sống

Nhiều người cho rằng, nếu ca khúc “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.

Tiết mục tái hiện hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô trong sáng 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Nhiều nhạc sĩ cho rằng "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây là một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời. Ca khúc đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội" vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả.

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10/10. Ca khúc như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến về Hà Nội - “khúc ca khải hoàn”của người Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO