Thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa”: Những kết quả bước đầu

Mỹ Hằng| 01/07/2015 10:55

Theo Bảo tàng tỉnh, sau 3 năm thực hiện Quyết định 1080/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Đề án “Sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng 2020”, đến nay, công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Theo đó, ngay sau khi đề án được triển khai, với vai trò cũng như chức năng của mình, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đồng thời tiến hành khảo sát, sưu tầm hiện vật lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

Từ năm 2012 đến năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 340 hiện vật lịch sử, văn hóa của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê bao gồm nhiều thể loại như chiêng, gùi, thuyền độc mộc, ghế… nâng tổng số hiện vật trong kho bảo quản lên đến 17.000 hiện vật.

Bảo tàng tỉnh trưng bày hiện vật lịch sử thời kỳ chống Mỹ tại Khu trưng bày Di tích lịch sử kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV (Krông Nô). Ảnh: Thanh Bình

Cùng với việc khảo sát, sưu tầm thì công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng được chú trọng thực hiện. Mỗi địa phương đều xây dựng được đội ngũ cộng tác viên cơ sở, dù không chuyên nhưng bằng kinh nghiệm thực tế với sự am hiểu văn hóa dân tộc nên đội ngũ này thường xuyên nắm bắt tình hình, thông báo cho cán bộ bảo tàng, nhờ vậy mà công tác sưu tầm hiện vật văn hóa, lịch sử cũng khả quan hơn.

ADQuảng cáo

Chị Hoàng Thị Thu Nguyên, Phó phòng Bảo tàng tỉnh cho biết: “Để có được số hiện vật nói trên, cán bộ, nhân viên Bảo tàng phải đi đến tận nhà dân để tìm hiểu lý lịch, nguồn gốc của từng hiện vật. Nhiều hiện vật quý, thương thuyết mãi người dân mới đồng ý bán nhưng với giá rất cao. Nhiều gia đình không hiểu được các giá trị văn hóa mà cha ông để lại nên đã mang đi bán lấy tiền để mua nhu yếu phẩm”.

Cũng theo chị Nguyên thì mỗi chuyến về địa bàn, cán bộ Bảo tàng thường xuyên kết hợp khảo sát thực địa với việc tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc sưu tầm các hiện vật là góp phần giữ gìn, phát huy các bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Để phát huy hiệu quả của các hiện vật mang nhiều thông tin quý đến với công chúng, việc trưng bày, giới thiệu cũng được chú trọng thực hiện. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các trường học để tổ chức các tiết học ngoại khóa tại trường giới thiệu các hiện vật, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đến với học sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Lung, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì được sự quan tâm của chính quyền các cấp nên việc thực hiện đề án đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Việc triển khai đề án đã góp phần hạn chế tình trạng thất thoát hiện vật văn hóa lịch sử, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chung tay gìn giữ những hiện vật quý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện đề án cũng còn gặp phải một số khó khăn như nguồn kinh phí cấp hàng năm còn hạn chế nên việc sưu tầm gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, không gian trưng bày và kho bảo quản chưa tương xứng nên chưa phát huy được giá trị của hiện vật, về lâu dài bị hư hỏng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa”: Những kết quả bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO