Thực hiện chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân ưu tú: Vẫn còn trên giấy (kỳ 1): Cống hiến và tôn vinh

Mỹ Hằng| 28/07/2017 10:37

Sau khi phong tặng danh hiệu, Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi dành cho những nghệ nhân ưu tú nhằm động viên, khuyến khích họ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay việc thực hiện các chính sách ưu đãi đó trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xem ra vẫn còn trên giấy.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân dân gian có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ và truyền bá giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, bởi chính họ là những người hiểu tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào và dân tộc mình.

Nghệ nhân tiêu biểu Điểu Sơn ở bon Bu Đách, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) biết đánh cồng chiêng, sử dụng và chế tạo m'buốt (khèn bầu của người M'nông), đàn ống tre, sáo. Ảnh: H’Mai

Nỗ lực cống hiến

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Nông Thanh Hưu ở thôn 9, xã Nam Dong (Chư Jút) vẫn dành trọn tình yêu cho nhịp đàn Tính và giai điệu Then của dân tộc. Chưa bao giờ tình yêu ấy bị phai nhạt bởi nó đã thấm sâu vào máu thịt của ông. Với bà con nơi đây, ông như một người “anh cả” trong việc dẫn dắt và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài việc sáng tác lời hát Then theo giai điệu truyền thống, chơi đàn Tính, ông Hưu còn biết chế tác những cây đàn Tính để cung cấp cho mọi người.

Ngôi nhà của ông Hưu từ nhiều năm nay trở thành xưởng chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc Tày ở tỉnh Đắk Nông. Ông đã khơi dậy lòng đam mê làn điệu Then trong mỗi người dân địa phương bằng việc sưu tầm được 26 làn điệu Then của các vùng miền.

Năm 2007, Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính tại xã Nam Dong được thành lập với 23 thành viên do ông Hưu làm chủ nhiệm. Dựa trên những giai điệu cổ, ông Hưu đã sáng tác được khoảng 150 bài hát mới về cuộc sống, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước và khoảng 50 bài được ông chuyển lời những ca khúc dành cho đàn Tính.

Ông Hưu còn có sáng kiến đưa đàn Tính hát Then vào trường học và đã thực hiện được một khóa học tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong, xã Nam Dong, mang đến cho học sinh nhiều điều bổ ích về văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Nông Thanh Hưu tâm sự: “Với tôi, đàn Tính hát Then thấm sâu vào máu thịt và tôi yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, tôi muốn truyền tình yêu đó đến với bà con dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc trên địa bàn nói chung. Tôi sẽ cống hiến cho đến khi nào chết mới thôi”.

Tương tự, nghệ nhân Y K’ri ở bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil) ngay khi còn nhỏ đã được cha truyền dạy cho các kỹ thuật đánh cồng chiêng, và mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội thì ông lại tìm đến để được nghe âm thanh cồng chiêng. Ông luôn chú ý lắng nghe từng âm thanh phát ra rồi về tự học trong trí nhớ, còn những bài chiêng khó thì nhờ những người già trong bon chỉ dẫn. Cứ thế, kiến thức về cồng chiêng cũng như văn hóa M’nông ngày càng nhiều và ông có thể đánh hơn 10 bài chiêng liên tiếp mà không hề biết mệt.

Không chỉ đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, nghệ nhân Y K’ri còn biết sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Không những tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức, ông còn sẵn sàng truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong bon và những ai có nhu cầu. Ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về bảo tồn văn hóa ở địa phương.

Nghệ nhân Y K’ri chỉ dạy cách đánh cồng chiêng cho các em học sinh Trường DTNT huyện Đắk Mil

ADQuảng cáo

Ghi nhận những cống hiến

Để ghi nhận những cống hiến của đội ngũ nghệ nhân, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I năm 2015.

Theo đó, trong đợt này, tỉnh Đắk Nông có 21 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” gồm: Y Sim, Y Wet, Nông Thanh Hưu (Chư Jút); Thị Véc, Thị B’rao, Điểu Nơi (Tuy Đức); H’Plơ, Y K'ri, Y Ganh (Đắk Mil); K’Tiêng, Y El, (Gia Nghĩa); H’Jang, K’Tang, K’Jâng (Đắk Glong), Y Tai, Y Xuyên (Krông Nô); Y K’rang, Điểu M’Byưch, Thị H’Jang (Đắk R’lấp); Điểu N’Klứt, Điểu Njah (Đắk Song). Đây là những nghệ nhân có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những con người tài năng và tâm huyết đối với văn hóa dân tộc. Hiện những người được gọi là nghệ nhân phần lớn đã cao tuổi, cuộc sống phụ thuộc vào gia đình. Nhưng dù cho kinh tế có khá giả hay khó khăn, nhiều nghệ nhân vẫn dành thời gian để đóng góp và cống hiến bằng tất cả niềm đam mê của mình.

Nghệ nhân Y K'ri nói: “Được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tôi cảm thấy rất vui và tự hào, vì từ đây, đội ngũ nghệ nhân dân gian có một danh hiệu chính thức. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc để xứng đáng với danh hiệu cao quý đã được Nhà nước trao tặng”.

Nghệ nhân Điểu Nơi ở bon Jiêng Ngaih, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng phấn khởi: “Đời sống của đội ngũ nghệ nhân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nên khi Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho những nghệ nhân có nhiều cống hiến, chúng tôi vui lắm. Qua đó, chúng tôi có thêm điều kiện để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ hôm nay, góp phần cho bản sắc văn hóa của dân tộc mãi trường tồn và phát triển qua nhiều thế hệ”.

Thêm động lực

Song song với phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 109, về việc hỗ trợ thêm cho các nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, nghệ nhân mắc bệnh hiểm nghèo có thêm nguồn trợ cấp hàng tháng. Đây chính là động lực để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Tại Đắk Nông, việc ban hành Nghị định 109 cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, khuyến khích các nghệ nhân đồng hành cùng chính quyền địa phương gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, hầu hết các nghệ nhân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là nông dân nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người tuổi cao và không còn nhiều thời gian để chờ đợi như các nghệ nhân Y’Krang, Điểu Marin...

Nói về điều này, ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Tuy Đức cho biết: “Từ nhiều năm nay, các nghệ nhân trên địa bàn đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống cũng như tham gia truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, hoạt động văn hóa ở cơ sở có bước chuyển biến tích cực, nhất là công tác bảo tồn văn hóa. Nghị định 109 ban hành và có hiệu lực, chúng tôi rất vui mừng vì đây chính là động lực để các nghệ nhân tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội”.

Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, áp dụng cụ thể với các trường hợp như: Có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định là 1.150.000 đồng) và nằm trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế quy định. Mức áp dụng hỗ trợ là 700.000 đồng - 800.000 đồng và 1.000.000 đồng đối với từng đối tượng.

Bên cạnh đó, nghệ nhân còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và hỗ trợ chi phí mai táng.

>> Kỳ 2: Cần nhanh chóng vào cuộc

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân ưu tú: Vẫn còn trên giấy (kỳ 1): Cống hiến và tôn vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO