Thống nhất tên gọi, ranh giới và các điểm di sản trong Công viên Ðịa chất Núi lửa Krông Nô

Mỹ Hằng| 18/01/2018 14:12

Theo Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, hiện đã cơ bản thống nhất một số nội dung về ranh giới, tên gọi và các điểm di sản trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Theo đó, tên gọi chính thức là CVĐC núi lửa Krông Nô- Đắk Nông, tên tiếng Anh là “Dak Nong Volcano Geopark”, có ranh giới trải dài sang các huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Đặc biệt, dựa trên kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” đã xác định được 39 điểm di sản.

Cụ thể, về di sản núi lửa gồm: miệng núi lửa Nam Dong, miệng núi lửa Ea T’ling (Chư Jút); miệng núi lửa Chư B’lúh, miệng núi lửa Nâm Kar, núi lửa nón than Phú Sơn (Krông Nô); miệng núi lửa Thuận An (Đắk Mil). Về di sản danh thắng gồm: thác Trinh Nữ, thác Lưu Ly, thác Bảy Tầng, thác Đray Sáp, thác Gia Long.

Di sản địa mạo gồm: cấu trúc vòng Nam Dong, Hồ Trúc, một phần vườn Quốc gia Yók Đôn, bề mặt san bằng các xã Đắk Gằn, Đắk R’la, Long Sơn, Hồ Tây (Đắk Mil); dãy núi dạng địa lũy Nam Nung, dãy núi- đồng bằng Nâm N’đir, đồng bằng Buôn Choáh, địa hình nghịch đảo Bon Choi’h, di tích thắng cảnh hồ Ea Snô (Krông Nô), Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Về di sản cổ sinh (hóa thạch) là dấu tích Cúc đá từ thôn 4 đến thôn 10, xã Ea Pô (Chư Jút).

ADQuảng cáo

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm trong danh mục 39 điểm di sản CVĐC núi lửa Krông Nô- Đắk Nông

Về di sản văn hóa- lịch sử gồm: Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng kháng chiến B4- Liên tỉnh IV; Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, xã Buôn Choáh; làng văn hóa dân tộc Dao ở xã Nâm N’đir (Krông Nô); Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Ấp chiến lược Hang No, xã Quảng Khê (Đắk Glong); Di tích lịch sử địa điểm ngục Đắk Mil, Di tích địa điểm chiến thắng Đồi 722- Đắk Sắk (Đắk Mil); Di tích lịch sử đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh (địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ cánh Tây thuộc thôn 8 xã Nam Bình (Đắk Song); Buôn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê đê tại buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút).

Về di sản cổ môi trường gồm: mỏ khoáng sản Antimon xã Đắk D’rông (Chư Jút); mỏ đá bán quý ở xã Trường Xuân, mỏ suối nước khoáng ở xã Đắk Môl (Đắk Song); mỏ đá Opan xã Đắk Gằn (Đắk Mil) và mỏ khoáng sản wolfram ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong).

Trên cơ sở thống nhất, xác đinh cụ thể, hiện tại UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các bước liên quan đến việc bảo tồn các điểm di sản. Riêng việc khai thác puzơlan để làm phụ gia sản xuất xi măng tại khu vực núi lửa 52 (núi lửa Nâm Kar) ở xã Quảng Phú (Krông Nô), UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Đức Thành dừng khai thác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 6667. Đồng thời, các sở, ngành liên quan làm việc với công ty để tiến hành khảo sát, tìm vùng nguyên liệu thay thế vị trí hiện tại và tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan theo đúng quy định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất tên gọi, ranh giới và các điểm di sản trong Công viên Ðịa chất Núi lửa Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO