Tháng Năm, nhớ bà kể chuyện về Bác Hồ

Quốc Diễn| 18/05/2018 09:20

Thế hệ trẻ chúng tôi may mắn sinh ra và lớn lên khi đất nuớc đã hòa bình nhưng không vì thế mà lớp trẻ quên được sự hi sinh xương máu của bao thế hệ đi trước. Những bài học về lòng yêu nuớc, về sự trân trọng cuộc sống này vẫn còn đó, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

ADQuảng cáo

Ký ức tuổi thơ tôi là những câu chuyện của bà về biết bao chiến công lịch sử của anh bộ đội Cụ Hồ chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, bà luôn kể về Bác với sự biết ơn, lòng nguỡng mộ sâu sắc. Bà tôi sống qua hai thế kỷ cuộc đời, tôi luôn có cảm giác bà thuộc tất cả những mẩu chuyện về Bác. Nhớ ngày ấy, khi chúng tôi còn nhỏ, bên ánh lửa bập bùng mùa trở gió bà kể tôi nghe về Bác một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Những mẩu chuyện nhỏ bà kể tuy đơn giản nhưng ẩn sâu trong đó là cả tình người, là những bài học quý báu không phải trong sách vở nào cũng có được.

Minh họa: Minh Thùy

ADQuảng cáo

Những mẩu chuyện kể về Bác chắc ít có người Việt Nam nào lại không biết đến. Bà tôi cũng là những người trong số đó. Một trong những câu chuyện đầu tiên bà kể tôi nghe, đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Bà kể, áo Bác rách, có khi vá đi vá lại Bác mới chịu thay. Có lần, khi tất rách chưa kịp vá anh em đưa đôi mới cho Bác, Bác cầm đôi tất cũ, quay chỗ rách vào người rồi cuời bảo: “Đấy trông thấy rách đâu”. Bà còn kể, khi đi công tác về muộn, bảo vệ thấy Bác mệt nên gọi cán bộ nấu cháo cho Bác ăn. Bác nghe được, nhỏm nguời dậy nói: “Cô nấu cháo bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo”. Mẩu chuyện về đôi tất và bát cháo tuy đơn giản nhưng đầy xúc động. Bác luôn sống một cuộc đời giản dị, Bác luôn coi mình là tấm gương thực hành tiết kiệm.

Ngày nhỏ, có một dạo tôi và em trai đánh nhau chỉ vì giành nhau vài viên bi, hình như bà thấy được. Đêm đó, bà kể cho tôi nghe câu chuyện về chiếc ba lô. Câu chuyện nhỏ nhưng chứa đựng thông điệp lớn. Bà kể, trong một chuyến đi công tác cùng hai đồng chí, sợ Bác mang ba lô mệt nên hai đồng chí có ý định mang thay phần Bác. Nhưng Bác nhất quyết phải chia đều, Bác nói: “Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít”. Bác đã dặn đi dặn lại rất kĩ, khi đi qua một chặng dừng chân nghỉ, Bác kiểm tra ba lô và phát hiện ba lô mình nhẹ hơn chỉ toàn chăn, mền. Bác không đồng ý và nói: “Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người”. Sau đó, hai chiến sĩ lại phải chia đều vật dụng vào 3 chiếc ba lô. Câu chuyện ngắn gọn nhưng có rất nhiều điều để ta suy ngẫm về tính công bằng, về sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái. Dù ở cương vị lãnh đạo, nhưng Bác đã xem mình như mọi người, không muốn hưởng những đặc quyền riêng, luôn chia sẻ công việc và khó khăn cùng mọi người và xem đó như một thói quen không thể thiếu trong phong cách sống của mình. Câu chuyện về “3 chiếc ba lô” của Bác đã cho tôi một bài học sâu sắc về giá trị của tinh thần đoàn kết, giá trị của tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong công việc. Và nó nhắc tôi nhớ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, không đùn đẩy công việc, khó khăn của mình cho người khác.

Những mẩu chuyện về Bác là một chuỗi bài học quý báu mà tôi không tìm thấy trong sách vở. Thế hệ trẻ chúng tôi thầm cảm ơn thế hệ đi trước, cảm ơn Bác – Người một đời hi sinh vì Tổ quốc để được đất nước hòa bình như ngày hôm nay. Mỗi dịp tháng Năm, không chỉ riêng tôi mà cả đất nước càng nhớ Bác nhiều hơn. Dù Bác đã đi xa nhưng những bài học Bác dạy vẫn luôn là hành trang cho bao thế hệ đất nuớc. Tôi mong được nghe nhiều hơn, hiểu nhiều hơn những câu chuyện về Bác để rồi tôi thêm tự hào về đất nước, về Bác Hồ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Năm, nhớ bà kể chuyện về Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO