"Tháng Ba Tây Nguyên" - tiếng ca náo nức của mùa xuân

Anh Ngọc/QĐND| 06/03/2015 09:50

Tây Nguyên, vùng đất của Không gian văn hóa cồng chiêng, của Sử thi Đam San, Sinh Nhã… cũng chính là “đất lành” cho các thế hệ văn nghệ sỹ “thăng hoa”. Đã có biết bao nhiêu bài văn, vần thơ, lời hát, bức ảnh… được sáng tạo ra ở mảnh đất này; trong đó, “Tháng Ba Tây Nguyên”, lời thơ của Thân Như Thơ, nhạc của Văn Thắng là tác phẩm thuộc diện “đi cùng năm tháng”.

ADQuảng cáo

Nhà thơ Thân Như Thơ đã gắn bó với chiến trường Tây Nguyên từ rất sớm. Năm 1963, ông đã viết bài thơ “Tháng Ba Tây Nguyên”. Đây là một bài thơ hay, đã được đăng báo ở thời điểm đó.

Tái hiện lễ mừng thu hoạch lúa được mùa của đồng bào M'nông ở bon Bu P'râng, xã Đắk N'Drung (Đắk Song). Ảnh: H'Mai

Tuy nhiên, có lẽ phải đến khi được nhạc sỹ Văn Thắng phổ nhạc thì tác phẩm này mới đến với công chúng rộng rãi hơn. Bài thơ đã được nhạc sĩ phổ sát đến từng chữ từng câu và truyền đạt rất tài tình cái chất thơ của nó, và đến lượt mình, giai điệu bài hát lại như sinh ra chỉ để giúp ta xướng lên thành âm thanh một cách hiệu quả biểu cảm nhất những câu, những chữ ấy của bài thơ mà thôi - để rồi cuối cùng, cả hai, nhạc và lời của bài hát mỗi khi cất lên đều tạo nên một không khí rạo rực và say đắm đến kỳ lạ, vừa rất “Tháng Ba” vừa rất “Tây Nguyên”. Hãy nghe:

Tháng Ba
Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng Ba
Sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa, tìm nấm mối...

Ta hãy cố quên đi cái giai điệu rất đẹp cứ vang lên trong đầu để tiếp xúc với các con chữ, sẽ thấy ngay cái niềm vui rạo rực ở đây bắt nguồn từ một cái gì đó giản dị vô cùng, vì tất cả vẫn chỉ là những cảnh trí quá quen thuộc và thân gần tự bao đời của quê hương Tây Nguyên.

Vẫn chỉ là những công việc lao động thường nhật của con người ngỡ như đã cũ kỹ từ ngàn xưa, nhưng với sự hồi sinh kỳ diệu của mùa xuân, mùa tràn trề sức sống của tạo vật, tất cả bỗng xôn xao cả lên, bỗng nồng nàn và tươi tắn như vừa được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới.

Tất cả - từ những con ong, con voi, con chim, con cá... đến một “bông lách bay”..., cả thiên nhiên đất trời của xứ sở Tây Nguyên phong phú và hoang sơ như vừa thức tỉnh sau một kỳ ngủ đông dài dặc. Cái không khí say người ấy đã đánh thức luôn sức sống trong con người nơi đây, những công việc vốn nhàm chán và mệt nhọc nay bỗng trở nên mới mẻ và hấp dẫn:

ADQuảng cáo

Chiều chiều cha chọn góc vườn
Dạy con trai phóng lao, trừ hổ báo

Ta thật không phân biệt được đấy là công việc hay đấy là trò vui bởi có một cái gì vô hạn náo nức ở bên trong, cũng như vậy, ở một nơi khác:

Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà
Phòng những đêm ngày dông bão

Những công việc lo lắng, vun vén cho một cuộc sống no đủ và bình yên như vậy luôn gợi lên một cái gì thật ấm cúng, hạnh phúc. Giữa một bối cảnh sống vừa thơ mộng vừa tự do vì xa cách phồn hoa và chan hòa thiên nhiên, nhưng cũng do vậy mà cô quạnh và hứa hẹn nhiều tai họa, bất trắc, thì công cuộc chăm bẵm, vun vén ấy càng khiến niềm vui của cuộc sống nơi đây có thêm sức vững chãi, yên lòng, tựa như khi ta hình dung về một bếp lửa ấm áp tận trên núi cao khi ngoài trời đang gió mưa gào thét.

Cái say lòng của tâm trạng thơ như đã hòa lẫn trong cách nhìn, cách cảm của tác giả, một tâm thế hoàn toàn của người trong cuộc. Hơn thế, ta còn có thể cảm nhận rằng, tất cả cách nhìn, cách cảm ở đây dường như xuất phát từ một đôi mắt trẻ thơ, hoặc nói rộng ra là một người trẻ tuổi, bởi vẻ rạo rực và say đắm của những khát khao và hăm hở của tuổi mới vào đời.

Bài thơ không nói tới hội hè mà kỳ lạ thay, lại rất say người, như thể tất cả trời đất, cây cỏ, chim thú cùng với con người nơi đây đang tưng bừng trong một ngày hội lớn, ngày hội có tên là Mùa Xuân.

Tháng Ba Tây Nguyên

Tháng Ba
Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng Ba
Sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa, tìm nấm mối
Chiều chiều cha chọn góc vườn
Dạy con trai phóng lao, trừ hổ báo
Tháng Ba
Mùa bông lách nở
Cho con công múa
Cho con cá bơi
Bông không xuống dòng suối
Bay lên trời vạn cánh sao rơi
Bông lách bay để lại nụ cười
Tháng Ba
Người Tây Nguyên chan chứa tình
Con tim xao xuyến
Đôi môi hé tươi
Tháng Ba
Mùa suối rừng sôi sục
Mùa hạnh phúc Tây Nguyên
Ôi! Tháng Ba tô thắm cuộc đời.

Tháng Ba
Rừng Tây Nguyên hoa đỏ
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát
Sông từng đàn cá lội bơi
Tháng Ba
Tay em dệt khăn hồng
Theo cánh chim trời, cho người em mến
Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà
Phòng những đêm ngày dông bão
Tháng Ba
Trời trong xanh như suối ngàn
Cho em múa hát
Cho anh đánh chiêng
Chiêng anh rộn núi rừng, buôn làng
Đưa giọng em vút tận trời xanh
Chim hót theo nghe sao ngọt lành...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tháng Ba Tây Nguyên" - tiếng ca náo nức của mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO