Sản phẩm giỏ tích ở thôn Nam Cao

Mỹ Hằng| 06/04/2018 09:33

Giỏ tích hay còn gọi là bình ủ ấm là vật dụng quen thuộc được nhiều gia đình sử dụng để ủ nước chè xanh cũng như các loại lá cây khác nhằm bảo đảm vệ sinh, sức khỏe. Xuất phát từ thực tế đó, chị Lục Thị Liên ở thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr (Krông Nô) đã có nhiều sáng tạo trong việc đan lát, sản xuất ra sản phẩm để bán ra thị trường.

ADQuảng cáo

Chị Lục Thị Liên giới thiệu sản phẩm giỏ tích tại Ngày hội phụ nữ sáng tạo

Theo chị Liên, công việc làm giỏ tích gắn với tuổi thơ của chị và đòi hỏi phải có sự đam mê. Một cái giỏ tích có chiều cao khoảng 30cm, dạng hình cầu và có nắp đậy, bên ngoài được sơn phủ khá đẹp mắt, bên trong được lót một lớp lông dày để giữ nhiệt. Để có một chiếc giỏ tích đẹp, bền đòi hỏi người thợ phải có mắt thẩm mỹ, khéo tay trong việc chọn nguyên liệu. Nguyên liệu để làm giỏ tích chính là cây mây hoặc cây dong. Một công đoạn khó nhất đó là phải vuốt đều tay từng sợi mây nhỏ. Việc đan giỏ được bắt đầu từ đáy tích và tiếp tục đan dần lên miệng tích rồi cạp lại. Sau khi hoàn chỉnh một cái giỏ tích, công đoạn tiếp theo là nhồi xốp, bông vải để làm ruột, còn phía ngoài được quét sơn bóng có màu vàng óng như ruột mây già để làm đẹp cũng như tránh ẩm mốc, chóng hỏng.

ADQuảng cáo

Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nhiều gia đình trong vùng vẫn thường dùng giỏ tích để ủ ấm nước. Thời gian đầu, chị chỉ làm phục vụ cho gia đình nhưng về sau nhiều người đặt hàng nhiều nên chị quyết định đan giỏ để bán. Thời gian đan một chiếc giỏ mất khoảng 2 ngày và mỗi chiếc bán ra có giá khoảng từ 350.000- 500.000 đồng (tùy theo kích cỡ của giỏ)… Chị Liên cho biết: “Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đan giỏ tích để bán, ngoài việc kiếm thêm thu nhập thì còn giữ nghề truyền thống của gia đình”.

Chị Liên còn truyền dạy nghề đan giỏ tích cho chị em trong vùng có nhu cầu học nghề. Trên cơ sở đó, tổ đan mây tre thôn Nam Cao được thành lập với 12 thành viên. Hiện nay, sản phẩm giỏ tích của tổ hợp tác làm ra đã được bà con trong vùng ưa chuộng và đang cố gắng vươn ra thị trường để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho các thành viên. Mong muốn lớn nhất của tổ hợp tác là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo cho chị em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm giỏ tích ở thôn Nam Cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO