Quyết tâm xây dựng thành công danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Mỹ Hằng thực hiện| 06/10/2017 09:49

Theo kế hoạch tháng 8/2018 tỉnh Đắk Nông sẽ trình nộp hồ sơ lên tổ chức UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực hang động núi lửa Krông Nô. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng An, Phó Ban chuyên trách Ban quản lý Xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm

PV: Bà có thể cho biết ý nghĩa của việc xây dựng thành công danh hiệu và tham gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực hang động núi lửa Krông Nô đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Bà Lê Thị Hồng An: Có thể khẳng định xây dựng thành công danh hiệu và tham gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực núi lửa Krông Nô tỉnh Đắk Nông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh nhà. Bởi lẽ, hệ thống Công viên địa chất rất rộng với phạm vi toàn cầu, trong đó tất cả các nước gia nhập đều có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau dựa trên các điều luật, công ước quy định hết sức nghiêm ngặt.

Trên thực tế, các nước như Hy Lạp, Trung Quốc, Anh… sau khi gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đã có sự đột phá rất lớn từ hoạt động du lịch. Ở Việt Nam, như tỉnh Hà Giang trước đây khi chưa gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì rất ít người biết đến và hoạt động du lịch cũng còn hạn chế. Thế nhưng, sau khi gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu thì khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan rất nhiều, từ đó doanh thu du lịch cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Lúc đó người ta mới biết đến lễ hội Hoa Tam giác mạch cũng như các điểm đến du lịch của tỉnh này.

Với tỉnh Cao Bằng, khi chưa nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất thì việc kêu gọi đầu tư du lịch rất hạn chế nhưng sau đó thì các doanh nghiệp đến xin đầu tư rất nhiều. Vì vậy, việc đề nghị UNESCO công nhận và gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu là yêu cầu cấp thiết, bởi từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà một cách bền vững.

PV: UNESCO dựa trên các tiêu chí nào để công nhận danh hiệu Công viên viên địa chất toàn cầu?

Bà Lê Thị Hồng An: Công viên địa chất toàn cầu được đánh giá một cách định lượng bằng điểm số với các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Qua mỗi năm, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu bổ sung thêm nhiều tiêu chí để phù hợp với từng địa phương. Hiện nay đã có trên 500 tiêu chí và dựa trên 1 prem để tự chấm điểm. Nếu muốn được công nhận danh hiệu thì phải đạt 4.000/6.000 điểm. Vì vậy, để UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất thì phải đạt số điểm tối đa và để đạt điều đó không phải là điều đơn giản, mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh.

PV: Đến nay việc thực hiện hồ sơ trình gửi UNESCO được diễn ra như thế nào, thưa bà?

ADQuảng cáo

Bà Lê Thị Hồng An: Ý tưởng xây dựng Công viên địa chất cho khu vực núi lửa Krông Nô được hình thành từ năm 2014 và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên hiện nay các phần việc liên quan đến việc thiết lập hồ sơ trình cấp trên công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực Krông Nô đã và đang được tiến hành thuận lợi.

Cụ thể, ngoài việc kiện toàn và thiết lập Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô thì tỉnh cũng đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông” do ông La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài với kinh phí 12 tỷ đồng.

Tỉnh ta cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi tham dự Hội nghị về mạng lưới Công viên Địa chất Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản, Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh... Thông qua đó, giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), các chuyên gia Công viên địa chất quốc tế ủng hộ tỉnh Đắk Nông trong lộ trình xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Ngoài ra, tỉnh cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm trong quá trình xây dựng hồ sơ xây dựng công viên địa chất tại tỉnh Cao Bằng, Hà Giang…

Tuy nhiên, việc thiết lập hồ sơ trình UNESCO vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là năng lực chuyên môn của các cán bộ phụ trách còn hạn chế. Mặt khác, theo tiêu chí của UNESCO thì khu vực công viên địa chất phải có ít nhất là 30 điểm du lịch đang hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa quy củ, hiệu quả thấp. Thậm chí, một số điểm, khu du lịch hoạt động không hiệu quả, đang có chủ trương thu hồi. Vì vậy, việc tái thiết lại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để tháng 10/2018 UNESCO Việt Nam đi kiểm tra, xác minh là một điều nan giải.

Hơn nữa, hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô không giống như các hang động đá vôi có nhiều nham thạch ở Quảng Bình, Ninh Bình. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô chủ yếu là mái vòm, kết cấu không bền vững nên cần phải phân loại một cách chính xác và khai thác một cách hợp lý.

PV: Để xây dựng thành công danh hiệu theo đúng lộ trình thì công việc trước mắt là gì thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng An: Việc xây dựng thành công danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho khu vực núi lửa Krông Nô không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà trong việc chung tay xây dựng thành công danh hiệu này. Do đó, công việc trước mắt là phải nâng cao ý thức bảo vệ hiện trạng cũng như bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản địa chất, văn hóa, xã hội trong khuôn viên của khu vực. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia mạng lưới công viên địa chất để cùng nhau gìn giữ, phát triển. Các sở, ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu cao quý này.

PV: Xin cảm ơn bà!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm xây dựng thành công danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO