Quả bầu khô gắn bó với bon làng, tượng trưng cho sự đoàn kết

Mỹ Hằng| 07/12/2018 13:47

Trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh, trái bầu khô là một trong những vật dụng gần gũi, thân thiết gắn bó từ bao đời.

ADQuảng cáo

Quả bầu khô dùng để đựng lễ vật cúng thần linh

Quả bầu khô được đồng bào sử dụng vào nhiều việc khác nhau như đựng nước, đựng hạt giống, đựng thức ăn… và tùy vào mục đích sử dụng mà được chế tác với nhiều hình dáng, tên gọi khác nhau. Để có được những trái bầu khô như ý phải mất nhiều công đoạn từ khâu chọn giống đến ươm hạt, thu hái, cắt gọt…

Theo đó, sau khi chọn được hạt giống, đồng bào tiến hành gieo trồng và khoảng 3-4 tháng sau sẽ thu hoạch. Khi những trái bầu bắt đầu già và chuyển sang màu vàng óng thì được thu hái. Quả bầu sau khi hái được cắt phần cuống, khoét hết ruột, rồi mang đi ngâm dưới bùn khoảng một tháng. Sau đó bỏ cát vào trong bầu, rửa bằng nước sạch nhiều lần để trôi hết các xơ bầu còn sót lại. Công đoạn này thường lặp lại hai lần, làm sao cho phần ruột bên trong quả bầu thật sạch là có thể dùng được.

Nhạc cụ M'buốt của đồng bào Mạ được làm từ quả bầu khô

ADQuảng cáo

Tại các lễ hội lớn của cộng đồng như lễ cúng thần rừng, lễ sum họp cộng đồng, lễ rước K’pan, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa bon…, quả bầu khô được dùng để đựng các lễ vật và tiết của con vật hiến sinh, mời các thần linh về tham dự. Theo giải thích của bà con, quả bầu là biểu tượng của sức mạnh, trường thọ và sự phát triển, có tác dụng hóa giải những khí xấu, mang lại may mắn cho bon làng. Do đó, việc sử dụng quả bầu khô nhằm mục đích nhắc nhở mọi người nhớ về nguồn cội, đoàn kết khi cùng uống chung một bầu nước, một bầu rượu trước sự chứng giám của thần linh.

Ngoài tác dụng đựng đồ ăn, thức uống, quả bầu khô còn được đồng bào sử dụng làm nguyên liệu để chế tác các nhạc cụ truyền thống như khèn M’buốt (M’nông), Đinh năm (Ê đê), M’boắt (Mạ)… Các loại khèn có cấu tạo chung là gồm 6 ống trúc có kích thước dài ngắn khác nhau được chia thành hai tầng (trên 4 ống, dưới 2 ống) và gắn vào một quả bầu khô làm bộ phận khuếch đại âm thanh… Để làm chiếc khèn, bà con thường chọn những quả bầu có thân vừa phải, tròn đều và cổ hơi cong. Cuống bầu được cắt bỏ tạo thành một lỗ nhỏ làm nơi thổi. Thân bầu được khoét 6 lỗ xuyên qua hai lớp vỏ bầu để lắp ống khèn. Dù đơn sơ, nhưng loại khèn được làm từ quả bầu khô rất được bà con ưa chuộng. Ở các lễ hội, ngày vui của cộng đồng, tiếng khèn lại dìu dặt, ngân lên thâu đêm.

Quả bầu khô dùng để đựng nước

Hiện nay, cuộc sống của đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay và các gia đình cũng đã mua sắm được các vật dụng sinh hoạt hiện đại. Thế nhưng, quả bầu khô vẫn hiện hữu trong cuộc sống bình dị của đồng bào, không chỉ là vật dụng sinh hoạt mà còn tượng trưng cho mối đoàn kết, gắn bó trong bon làng.

Ông K’Tiêng ở bon B’Tong, xã Đắk P’lao (Đắk Gong) cho biết: “Quả bầu khô gắn bó với đời sống của người Mạ từ lúc sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Trong gia đình tôi, ngoài các vật dụng hiện đại ra thì luôn có khoảng chục quả bầu treo trên giàn bếp. Mỗi khi đi suối hay lên nương rẫy, tôi đều mang theo chúng”. Bà H’Jang cũng chia sẻ: “Đối với người Mạ, quả bầu khô là vật dụng thân thiết trong gia đình. Dù lên nương rẫy hay đi hội hè, chúng tôi đều mang theo, nếu không có chúng thì cuộc sống có lẽ sẽ rất buồn tẻ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả bầu khô gắn bó với bon làng, tượng trưng cho sự đoàn kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO