"Phượt" Đồng Tháp

Đức Diệu| 12/08/2016 08:48

Trên chuyến hành trình dọc dải đất miền Tây, đoàn chúng tôi có dịp “phượt” qua Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là thủ phủ của những đóa sen hồng. Tuy chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng đủ để bất cứ ai đến đây đều ít nhiều cảm nhận được một vẻ đẹp “thuần khiết, tinh khôi như hồn sen” của mảnh đất, con người nơi đây.

ADQuảng cáo

Ấn tượng Gáo Giồng

Từ thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) chạy xe khoảng 17 km, chúng tôi đã lọt thỏm trong khung cảnh thiên nhiên khá hoang sơ của bạt ngàn rừng tràm, thuộc địa bàn ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng nổi tiếng mà bất cứ ai khi đến Đồng Tháp đều một lần muốn ghé qua.

Du khách chèo thuyền khám phá thiên nhiên rừng tràm tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Trước khi bắt đầu chuyến hành trình du lịch khám phá tại Gáo Giồng, du khách được ghé vào nơi giới thiệu và thưởng thức món hạt sen kèm ly trà sen thơm phức để lòng thêm thanh tịnh, bắt đầu một cuộc trải nghiệm thú vị và bổ ích.

Đứng trên đài quan sát với độ cao gần 20 m, quét tầm nhìn tổng quan thì rừng tràm như một quả bóng màu xanh khổng lồ xen kẽ với kênh, rạch giữa lòng miền Tây. Sau khi quan sát tổng thể trên tầm cao, chúng tôi được những cô gái thôn quê trong bộ áo bà ba màu hồng hoa sen chèo thuyền ba lá chở dọc theo những dòng kênh đi sâu vào rừng tràm.

Mỗi người một tay chèo, trong đó cô hướng dẫn viên là “chèo cái” (tức chèo chính) đã chèo con xuồng ba lá lướt nhẹ nhàng trên mặt nước. Hương tràm thơm ngát, những chú cá thỉnh thoảng quẫy đuôi vì động nước, chú chim bay vút lên từ lùm cây đã làm lòng người tạm quên đi những mệt nhọc đời thường để trải nghiệm giây phút thanh bình, thuần khiết của thiên nhiên.

Chiếc thuyền cứ thế trôi dài rồi rẽ lái vào một con rạch khác và tiến sâu chừng 200 m, giọng nói nhỏ nhẹ của cô gái lái thuyền, cũng là hướng dẫn viên cất lên: “Anh chị thông cảm, chúng ta chỉ được đi đến đây thôi, vào sâu trong nữa sẽ làm động đến môi trường sống của các loại chim”. Nghe vậy, tất cả đều dừng tay chèo để chiếc thuyền trôi nhẹ và thỏa sức ngắm các loại chim đang hồn nhiên trong ngôi nhà bình yên của mình. Đây cũng là lúc chúng tôi có dịp biết thêm những thông tin cơ bản của Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng qua hướng dẫn viên và một đồng nghiệp đi cùng.

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là nơi trú ngụ của nhiều loại chim

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng được thành lập từ tháng 3/2003. Trước đây, khu vực này được ví như một “vùng đất chết” với những cây gáo và cỏ lau nên người dân sống trong vùng rất khó khăn để mưu sinh. Một cuộc cải tạo môi trường sinh thái nơi đây đã được triển khai với việc chặt bỏ cây gáo, trồng lên rừng tràm và quy hoạch lại hệ thống kênh rạch để xây dựng khu du lịch sinh thái.

ADQuảng cáo

Đúng như lời của người dân địa phương nơi đây, vùng “đất chết giờ đang hồi sinh”, trở thành nơi trú ngụ của cả một quần thể sinh vật phong phú và là nơi mưu sinh của hàng chục hộ dân cùng làm du lịch. Tại đây hiện đã ghi nhận có khoảng 15 loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm như: cồng cộc, trích mồng đỏ, le le, vịt trời, điên điển, diệc…

Nhiều hơn hết vẫn là loài cò trắng, có đến hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười. Dưới những kênh rạch là các loại rau như năn, điên điển và hoa sen cùng nhiều loại tôm cá… Đây cũng là lý do để mỗi năm, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đón gần 80.000 lượt khách tới tham quan.

Chưa “no mắt” với những cảnh đẹp hoang sơ của thiên nhiên, chiếc thuyền đành phải quay ngược để trở về, bỏ lại phía sau hàng nghìn con chim đang thỏa sức với những vũ điệu tuyệt đẹp. Như hiểu lòng luyến tiếc của du khách, cô lái thuyền phía sau bỗng dưng cất lên một đoạn ca vọng cổ. Tiếng ca tuy không chuyên nghiệp nhưng trong trẻo, mượt mà, đủ để níu kéo lòng người thêm một lần ghé lại nơi đây.

Người dân địa phương đan mũ bán hàng lưu niệm cho du khách

Cách Đồng Tháp đang làm du lịch

Tuy không có điều kiện để đi hết các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như: Vườn hoa Tân Quy Đông; Vườn cò Tháp Mười; Làng hoa cảnh Sa Đéc… nhưng qua một vài trải nghiệm cho thấy, Đồng Tháp đang thực hiện một chiến lược về du lịch khá riêng. Đến các điểm du lịch, du khách dễ bắt gặp những khẩu hiệu kiểu như: “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, vì lòng tự hào quê hương, xứ sở” hay “Du lịch Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”…

Từ khẩu hiệu đến hành động là không dễ. Thế nhưng với việc dừng chân tại Đồng Tháp, trải nghiệm vài điểm du lịch như: Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng… cũng đủ thấy, Đồng Tháp đã và đang thực sự biến những khẩu hiệu trên thành hành động.

Tại các điểm du lịch, cái cảnh người dân bản địa chèo kéo bán hàng, “chặt chém” du khách như một số nơi tuyệt nhiên không có. Cái quan trọng hơn, những điểm du lịch ở đây đều gắn với sinh kế của người dân bản địa.

Đơn cử như tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, những cô gái lái đò chở du khách tham quan, những lao động ngồi đan từng chiếc mũ lấy nguyên liệu từ cây lục bình để làm hàng lưu niệm… đều là người dân sinh sống trong vùng. Đến các món ăn đãi khách cũng thường là “cây nhà, lá vườn”, sản phẩm của thiên nhiên và người dân bản địa làm ra nên giá cả khá rẻ. Từ việc chú trọng đến sinh kế của người dân, Đồng Tháp đã và đang xây dựng một cách làm du lịch gắn với giáo dục, bảo tồn, phát triển môi trường sinh thái bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Phượt" Đồng Tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO