Phóng viên thường trú - một góc nhìn

Lam Giang| 21/06/2017 08:47

Cũng như những người làm báo trong cả nước, đội ngũ phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn ở Đắk Nông hoạt động rất xông xáo, năng động. Trong thời buổi cạnh tranh thông tin, các phóng viên thường trú luôn phải sáng tạo, đổi mới chính mình để có thể tồn tại và phát triển.

ADQuảng cáo

Giữ uy tín cho phóng viên, tờ báo

Tác nghiệp trên địa bàn Đắk Nông lâu nhất phải kể đến các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Anh Phan Anh Dũng, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Nông cho biết: “Điều thuận lợi ở Đắk Nông là luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nên các phóng viên được tạo điều kiện rất nhiều trong quá trình tác nghiệp, có khi còn được bảo vệ khi gặp khó khăn. Những thông tin đột xuất, những vấn đề dễ gây bức xúc cho nhân dân cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo họp báo để kịp thời thông tin đến các cơ quan báo chí, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong giới truyền thông, giải quyết vấn đề mà dư luận quan tâm”.

Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Nông hiện có 3 cán bộ, phóng viên. Trung bình mỗi năm, Phân xã cung cấp cả nghìn tin, bài phản ánh các mặt đời sống xã hội tại địa phương, các thành tựu, mô hình mới cũng như những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Cũng theo anh Phan Anh Dũng, làm phóng viên thường trú phải rất khách quan, quý trọng những điều địa phương, con người ở đấy cống hiến. Phóng viên thường trú cũng phải biết phát hiện những việc xấu, tiêu cực, chứ không phải chỉ hăm hở săm soi tìm kiếm toàn cái xấu để “hot” tin hoặc tệ hơn, khi tìm ra cái không tốt thì lại dùng thủ thuật “à ơi” kiếm chác. Giữ quan điểm này chính là giữ uy tín của người phóng viên thường trú chân chính, cũng là giữ uy tín của tờ báo.

Với tinh thần đó, nhiều vấn đề “nóng” của Đắk Nông được Thông tấn xã Việt Nam phản ánh như: Vụ nổ súng ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức); tình trạng khai thác đá trái phép trên địa bàn xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép ở các địa bàn trong tỉnh… Trong đó, một số tác phẩm nhận được giải thưởng của ngành, trung ương, địa phương như loạt bài khai thác đá tại xã Đắk Nia đạt giải C tại Giải Báo chí thông tấn; chùm ảnh về thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đạt giải B tại Giải báo chí thông tin đối ngoại…

Vất vả, “ôm” hết các mảng

Mới nhận công tác và thực hiện nhiệm vụ thường trú của Báo Nhân Dân tại tỉnh Đắk Nông, nhưng phóng viên Nguyễn Văn Yên luôn xông xáo và nhiều bài viết phản ánh toàn diện trên tất cả các mặt của địa phương…

Theo anh Văn Yên, làm phóng viên thường trú vất vả hơn phóng viên ở tòa soạn nhiều. Bởi phóng viên ở tòa soạn thường được phân công theo dõi một hoặc một số lĩnh vực, còn phóng viên thường trú thì "ôm" hết từ kinh tế đến văn hóa, an ninh trật tự, xây dựng Đảng…

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Yên tâm sự: “Chẳng phải giỏi giang gì đâu mà cái chính là công việc của một phóng viên thường trú buộc chúng tôi phải như vậy. Không biết viết đủ các thể loại, đủ các chuyên mục thì hoặc là "đói", hoặc là bị phạt dài dài vì bỏ sót sự kiện. Không am hiểu các lĩnh vực, nhanh nhạy, tổng hợp tốt thì sẽ rất lúng túng trong hoạt động. Đó là chưa kể khi tác nghiệp bị cản trở, gây khó khăn, và đôi khi cũng bị đe dọa”.

Phóng viên Nguyễn Văn Yên (Báo Nhân Dân) tác nghiệp về tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh. Ảnh nhân vật cung cấp)

Làm báo không chỉ phản ánh cái tốt, còn phải điều tra vạch mặt cái xấu. Khen thì không sao, chê là đụng chạm. Điều đó có nghĩa, làm phóng viên thường trú rất bị sức ép... Tuy nhiên nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng như các cơ quan liên quan, phóng viên thường trú tác nghiệp thuận lợi hơn. Những vấn đề báo chí nêu đều được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan trả lời và xử lý kịp thời.

Mong được chủ động cung cấp thông tin

Đắk Nông là một trong số ít địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban và cung cấp thông tin cho báo chí hàng tháng. Nhờ những cuộc giao ban này, anh em phóng viên nắm bắt kịp thời thông tin cũng như định hướng xử lý thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ngành, địa phương “ngại” tiếp xúc với báo chí, thậm chí “né”, đẩy trách nhiệm cho người phát ngôn.

Do đó, theo phóng viên Nguyễn Văn Yên, tỉnh Đắk Nông cần có sự quan tâm hơn nữa, nhất là chỉ đạo các ngành, địa phương cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, nhất là những sự kiện đột xuất, vấn đề "nóng", thông tin của báo chí cần nhanh. Lúc đó, nếu như cơ quan chức năng có những đơn vị trực tiếp tham gia hay nắm vấn đề thì có thể cung cấp ngay cho báo chí chứ không cần phải chờ đến người phát ngôn. Hay những vấn đề xảy ra tại cơ sở, khi báo chí tiếp cận, thường thì cơ quan chức năng ở cơ sở lại yêu cầu phải xin phép cấp trên mới cung cấp thông tin cho báo chí.

Cùng đề nghị này, anh Phan Anh Dũng cho rằng, việc cung cấp thông tin chính thống là cách tốt nhất để định hướng dư luận kịp thời. Trên thực tế, có nhiều thông tin đòi hỏi tính chính thống, nhanh chóng, nhưng do không được cung cấp kịp thời nên có khi chưa chuẩn. Tỉnh cũng phải tích cực xử lý ngay thông tin báo chí nêu để tạo niềm tin trong dư luận, nhân dân.

Theo một số ý kiến, tỉnh Đắk Nông cũng phải tăng cường quản lý từng trường hợp phóng viên thường trú, phụ trách địa bàn. Bởi hiện nay, việc “nở rộ” các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của báo ngành, tạp chí và các trang tin điện tử, trong khi sự quản lý chưa chặt chẽ đã dẫn đến những sai phạm trong quá trình tác nghiệp cũng như đăng tải thông tin. Điều này làm ảnh hưởng đến đội ngũ phóng viên chân chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên thường trú - một góc nhìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO