Nỗi niềm bon Choi

Nguyễn Hiền| 25/08/2014 10:46

Theo già làng Ma Cát ở bon Choi, xã Đức Xuyên (Krông Nô) thì đã từ lâu lắm rồi, bon làng không còn tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào M’nông như: lễ cầu mưa, lễ cúng lúa mới, lễ kết nghĩa, lễ cúng đầu nguồn...

ADQuảng cáo

Tiếng chiêng, tiếng hát dân ca của già trẻ, gái trai trong các lễ hội cũng không còn ngân vang nữa. Trước đây, cồng chiêng được xem là tài sản quý giá, niềm tự hào, vinh dự của gia đình, nên hầu như nhà nào cũng có ít nhất thì một bộ, nhiều thì hai, ba bộ. Nhưng đến khoảng những năm 90 của thế kỷ trước thì trong bon hầu như không còn lại bộ chiêng nào.

Đến năm 2003, bon được ngành văn hóa tặng một bộ chiêng để sử dụng trong các lễ hội, nhưng sau đó rồi cũng bị mất luôn. Không có chiêng, các thế hệ trẻ không có cơ hội để được nghe ông cha mình đánh cũng như truyền dạy lại nên hầu như không ai biết đánh chiêng ngoài một số người lớn tuổi trong bon.

Những chiếc ché giờ là vật dụng hiếm hoi ở  bon Choi

Không những không còn tổ chức lễ hội, các bộ chiêng thất lạc mà một số vật dụng đặc trưng trong đời sống của đồng bào như các loại ché cũng dần vắng bóng trong các gia đình. Nếu như trước đây, ché là vật dụng được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các gia đình để làm rượu cần, đựng nước, gạo... thì hiện nay toàn bon chỉ còn lại khoảng 12 cái.

ADQuảng cáo

Dệt thổ cẩm cũng từng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự khéo léo, giỏi giang của người phụ nữ, hầu như ai cũng biết, nhưng hiện tại, ở bon Choi chỉ còn lại khoảng 4 người biết dệt và đều đã lớn tuổi. Các thiếu nữ trong bon hầu như không ai biết dệt hay có khái niệm học dệt để giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Ngoài do ý thức của người dân về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc còn hạn chế thì một phần cũng là do các cấp chính quyền, ngành chức năng vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa cần thiết để thu hút đồng bào chưa được chú trọng.

Theo phản ánh của bà con thì từ trước đến nay, trong bon chưa hề có một lớp dạy dệt thổ cẩm hay truyền dạy đánh cồng chiêng nào được tổ chức, còn việc phục dựng các lễ hội lại càng không có. Vì vậy, do phải mưu sinh, lo toan cho cuộc sống hàng ngày, kinh tế còn nhiều khó khăn, nên đồng bào ít chú ý đến việc nâng cao đời sống tinh thần, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng là điều khó tránh khỏi.

Như vậy, thực tế ở một số địa phương như bon Choi, việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ” vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nếu không muốn nói là chưa đi vào đời sống của người dân. Và nói như già làng Ma Cát thì nỗi buồn của đồng bào bon Choi hiện nay đó là khi thấy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một, phai mờ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm bon Choi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO