Nỗi buồn các di tích lịch sử

Gia Bình| 11/11/2016 13:42

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 6 di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia, được xem là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và thu hút khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, một số khu di tích vẫn đang bị “bỏ quên” và chưa phát huy được giá trị về nhiều mặt.

ADQuảng cáo

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo ở huyện Tuy Đức - nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc M'nông. Con đường vào di tích vốn đã nhỏ, nay bị cây cối che hết lối, phải “xé cỏ” mới có thể đi đến được.

Tất cả các dấu tích, bia tưởng niệm đều bị che lấp, chôn vùi bởi cây cỏ. Riêng tấm bia ghi thông tin Di tích N’Trang Lơng lâu ngày không được sơn sửa nên bị phai mờ, không còn đọc được nữa. Bảng sơ đồ quy hoạch chi tiết cụm di tích cũng bị mưa gió làm trôi chỉ còn lại chiếc khung trơ trọi.

Các dấu tích, bia tưởng niệm thuộc Cụm di tích N’Trang Lơng bị che lấp bởi cây cỏ

Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng lãnh đạo được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2007. Sau khi được công nhận, UBND tỉnh đã có Quyết định 741 về việc Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử đồn Bu Mêra, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ngày 17/2/2011, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 243 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử các địa điểm phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.

ADQuảng cáo

Theo đó, Cụm di tích lịch sử này có diện tích 42 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm sẽ được khoanh vùng, triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng điểm du lịch văn hóa. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cụm di tích này hầu như là bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Tương tự, Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh ở buôn Choáh, xã Buôn Choáh (Krông Nô) cũng được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2011. Tuy nhiên, sau 5 năm đón bằng công nhận, di tích vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện tại, khu di tích rộng khoảng 8.000m2 vẫn còn hoang sơ và gần như giữ nguyên hiện trạng, chưa được đầu tư trùng tu, thậm chí chưa có biển di tích, chưa được cắm mốc khoanh vùng và không có hàng rào bao quanh. Điều đáng lo ngại là do không được quy hoạch, tu bổ nên hiện nay người dân nơi đây đã tự ý canh tác, trồng các loại cây công nghiệp lâu năm trong khu vực này.

Để được công nhận là một di tích lịch sử cấp quốc gia không phải là điều đơn giản mà phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, lập hồ sơ, tổ chức hội thảo khoa học, trình các cấp xét duyệt… Và đã là di tích lịch sử cấp quốc gia thì rất cần đến sự quan tâm, trùng tu, bảo quản đúng mức của chính quyền, ngành chức năng cũng như quảng bá hiện vật, hình ảnh về cuộc khởi nghĩa và truyền thống đấu tranh chống xâm lược của địa phương. Nếu làm tốt, các di tích sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và thu hút khách du lịch tham quan.

Ông Phan Xuân Diến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Nô cho biết “Tại các cuộc họp liên quan, địa phương đã trình bày ý kiến, thậm chí có văn bản gửi kèm, nhưng việc trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện cũng chỉ dừng lại ở  mức độ nhất định. Mặc dù huyện cũng cố gắng trong điều kiện cho phép, nhưng kinh phí trùng tu quá lớn nên đành chờ sự quan tâm của cấp trên”.

Ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Đức nói: “Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng làm thế nào để các di tích phát huy được hiệu quả vẫn là điều nan giải, rất cần đến sự quan tâm của chính quyền các cấp”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn các di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO