Những “hạt nhân” trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở

Mỹ Hằng| 08/08/2014 09:27

Bằng niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc mà nhiều người đã nỗ lực hết mình tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng tại địa phương. Họ chính là những “hạt nhân” không những góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở phát triển mà còn gìn giữ những nét đẹp vốn có của văn hóa dân tộc.

ADQuảng cáo

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ là nghệ nhân hát dân ca, nên ngay từ nhỏ, anh Hà Văn Giới hiện ở thôn Tân Ninh, xã Nam Dong (Chư Jút) đã được đắm mình trong những làn điệu dân ca ngọt ngào qua câu hát ru của mẹ.

Các hoạt động, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh

Được tiếp xúc với quan họ từ nhỏ, cộng với những kiến thức thanh nhạc được học từ Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc đã hun đúc trong anh tình yêu với dân ca, nhất là những làn điệu quan họ mượt mà của vùng quê Kinh Bắc.

Chính vì vậy, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, anh dành nhiều thời gian để tập hợp bạn bè, đồng hương, những người có cùng niềm đam mê hát quan họ để sinh hoạt, luyện tập. Trên cơ sở đó, năm 2012, Câu lạc bộ quan họ Mười Nhớ ra đời và thu hút 20 thành viên tham gia sinh hoạt.

Với những kiến thức thanh nhạc đã được học, anh Giới dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm kiếm, sưu tầm hàng trăm làn điệu quan họ cổ như: Mời nước mời trầu, Giã bạn, Xuôi về, Gọi đò, Buôn bấc buôn dầu... sau đó truyền lại cho các thành viên.

Dưới sự dẫn dắt của anh, đến nay, CLB quan họ Mười Nhớ đã tập luyện, biểu diễn được khá nhiều làn điệu quan họ cổ, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do địa phương tổ chức, được nhiều người yêu thích.

ADQuảng cáo

Anh Giới cho biết: “Mỗi vùng quê, dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng biệt và tôi yêu làn điệu quan họ của quê mình. Quan họ bao đời nay vẫn thế, chân chất, mộc mạc, nhưng cũng thật nồng nàn, quyến rũ. Được hát, thể hiện những câu hát thân thương thì không còn gì bằng”.

Tương tự, chị H’Đai ở bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng luôn tích cực tham gia các hội diễn nghệ thuật quần chúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Chị là một trong những số ít “nghệ sĩ” không chuyên thuộc nhiều làn điệu dân ca của người M’nông trên địa bàn xã.

Theo như lời chị kể thì may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát dân ca, nên chị cũng đã yêu dân ca từ nhỏ. Với chị, được hát trong những ngày lao động sản xuất, trong các lễ hội, đám cưới là niềm vui không gì diễn tả được. Bởi vậy, mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện gì thì chị lại tham gia một cách nhiệt tình.

Không chỉ đam mê truyền thống văn hóa dân tộc mà chị còn tìm hiểu và sáng tác một số bài dân ca theo phong cách mới dựa trên giai điệu cổ. Ngoài những lúc lên nương rẫy, lúc rảnh rỗi, chị lại tập hợp chị em, bạn trẻ trong bon lại để hát và truyền dạy dân ca, góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn.

Chị H’Đai chia sẻ: “Tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, tôi cảm thấy rất vui và thoải mái. Bởi ngoài việc thể hiện năng khiếu của mình, chúng tôi có thể giới thiệu và mang đến cho bà con những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mang đậm bản sắc dân tộc”.

Còn chị H’Rainh ở bon Bu Pah, xã Trường Xuân (Đắk Song) cũng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Để thắp lên ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống trong giới trẻ, chị đã không ngừng học hỏi, tìm tòi những làn điệu dân ca cổ của dân tộc M’nông, rồi truyền dạy cho chị em trong bon.

Các ngày lễ hội hay kỷ niệm lớn của đất nước, chị cùng chị em đều tham gia luyện tập, rồi biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc. Chị H’Rainh nói: “Dân ca gắn với cuộc đời tôi như một định mệnh. Mỗi chặng đường qua đi, thời gian lại bồi đắp cho “cuộc tình” giữa tôi với các làn điệu dân ca của dân tộc thêm sâu nặng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “hạt nhân” trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO