Những “cây cọ trẻ” triển vọng

Gia Bình| 14/08/2015 09:36

Đam mê hội họa từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Hoàn hiện công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn nỗ lực học hỏi, thể hiện được những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đầy ý nghĩa nhân văn.

ADQuảng cáo

Với anh Nguyễn Văn Hoàn, được cầm cây cọ vẽ nên những bức tranh mình yêu thích là niềm hạnh phúc vô bờ

Theo lời anh Hoàn kể, ngay từ lúc còn nhỏ, bắt đầu đi học thì anh đã tiếp cận với hội họa và không ngừng mơ ước sau này làm họa sĩ. Khi vào quân ngũ, anh đã tham gia vẽ tranh cổ động, cắt dán pa nô, làm ma két cho các tập san, báo tường của lực lượng biên phòng.

Năm 1996, nhận thấy anh có năng khiếu về hội họa nên cơ quan tạo điều kiện cho đi học mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk và con đường đến với hội họa của anh chính thức bắt đầu từ đó. Anh luôn tâm niệm, đã làm nghệ thuật thì phải có phong cách riêng, từ cách chọn đề tài đến cách thể hiện tác phẩm, cộng với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm.

Thông qua các tác phẩm, anh muốn gửi gắm niềm tự hào, tình yêu của mình đối với mảnh đất đã cho anh những cung bậc của xúc cảm. Hiện anh đã có hơn 40 tác phẩm hội họa được giới chuyên môn đánh giá cao. Các tác phẩm: “Điểm sáng vùng biên”, “Phong cảnh bon Bu Sốp”, “Nhịp chiêng”, “Chiều về”… của anh được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chọn đi tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Anh Hoàn cho biết: “Với tôi, hội họa là niềm đam mê lớn và người vẽ phải có tư duy thanh thoát, trái tim dâng trào cảm xúc và tâm hồn bay bổng cùng với ý tưởng thì thể hiện mới đạt được “độ chín” của tác phẩm”.

Nguyễn Thùy Linh  bên tác phẩm "Cô gái  đánh chiêng". (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tương tự, chị Nguyễn Thùy Linh hiện đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng đam mê hội họa và là một trong những nữ họa sĩ trẻ đầy triển vọng của tỉnh.

Đam mê hội họa nên từ nhỏ, chị thường xuyên ngồi vẽ những bức tranh mà mình yêu thích. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, chị có điều kiện thỏa sức sáng tác. Hầu hết các tác phẩm của chị đều thể hiện nét đặc trưng văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Đằng sau mỗi bức tranh, chị đều gửi gắm tình cảm chân thành của một người nghệ sĩ với những thông điệp đầy ý nghĩa. Theo chị, để có một tác phẩm hoàn chỉnh thì ngoài niềm đam mê, người nghệ sĩ còn cần rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, chị luôn cố gắng hết mình để hoàn thành ý tưởng tác phẩm nghệ thuật của mình. Theo thời gian, tác phẩm hội họa của chị ngày một nhiều.

Hiện tại, chị sở hữu hơn 30 tác phẩm có giá trị. Tại Cuộc thi triển lãm ảnh mỹ thuật nhân kỷ niệm 10 năm thành  lập tỉnh Đắk Nông, tác phẩm “Hội xòe chá” của chị đạt giải B.

Theo chị Linh thì: “Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa truyền thống đang ngày càng bị mai một dần. Bởi thế, thông qua tác phẩm, tôi muốn mọi người chung tay gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc”.

Còn anh Nguyễn Xuân Hải ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) cũng là một trong những “cây cọ trẻ” và có nhiều tác phẩm hội họa được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Hải bên tác phẩm "Được mùa" tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII Đông Nam bộ lần thứ 20

Sinh ra và lớn lên tại Đắk Nông nên tất cả mọi thứ từ cái nắng, cái gió và cuộc sống bình dị của con người nơi đây đã thu hút tâm hồn đa cảm của anh. Vì thế, sau những giờ làm việc, rảnh rỗi, anh đều đầu tư trí tuệ để sáng tạo những tác phẩm hội họa.

Với anh, mỗi tác phẩm là “một đứa con tinh thần” gắn liền với bao cảm xúc và kỷ niệm riêng biệt. Bởi vậy, anh luôn dày công đầu tư ý tưởng nghệ thuật cho “đứa con” của mình từ khi còn “thai nghén”. Những tác phẩm của anh có nội dung xoay quanh cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chiến tranh…

Với sự nỗ lực, thành công đến với anh như một quy luật tất yếu. Các phẩm tiêu biểu của anh như “Lễ bỏ mả”, “Mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội”, “Đánh tan quân thù”, “Nét Tây Nguyên”… được giới chuyên môn đánh giá cao và giới thiệu triển lãm các Hội liên Hiệp mỹ thuật Việt Nam. Năm 2013, anh được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Có thể nói, bằng sự nỗ lực không ngừng và niềm đam mê nghệ thuật, các “cây cọ trẻ” đã góp phần thúc đẩy hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và khẳng định tên tuổi của mình trong “làng” mỹ thuật Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “cây cọ trẻ” triển vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO