"Nhớ" - Bài thơ hay viết về người lính

1948  Hồng Nguyên| 19/12/2013 09:10

Dù không đề cập đến một sự kiện lịch sử cụ thể, nhưng bài thơ "Nhớcủa nhà thơ Hồng Nguyên làm sống lại giai đoạn lịch sử hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

ADQuảng cáo

Chỉ qua bài thơ này thôi, một nhà xã hội học có thể biết được bao điều về xã hội Việt Nam ngày đó: Những người lính của chúng ta hình thành như thế nào, trang bị vũ khí ra sao, ý nghĩ của họ khi bước vào cuộc kháng chiến như thế nào. Hơn thế nữa, bài thơ còn khắc họa hậu phương người lính, tình cảm quân dân ngày ấy và bao điều khác nữa.

Bài thơ có đầu đề là Nhớ, tác giả viết năm 1948, nghĩa là chỉ hai năm sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Tác giả nhớ lại những kỷ niệm về đời lính trong hai năm đầu cuộc kháng chiến đó. Nếu không ghi năm bài thơ ra đời thì người đọc vẫn biết nói về người lính chống Pháp, chứ không phải thời chống Mỹ, chỉ riêng chi tiết “gặp nhau từ hồi chưa biết chữ” cũng đủ để khẳng định điều đó. Thời chống Mỹ, những người lên đường nhập ngũ hầu như không còn ai mù chữ, phần đông đã tốt nghiệp cấp hai, cấp 3, không ít người đã tốt nghiệp đại học.

Còn trang bị cho người lính có những gì? “Lột sắt đường tàu rèn thêm đao kiếm”, bởi súng ống quá thiếu thốn, có khi cả tiểu đội, thậm chí trung đội mới có được một vài khẩu súng. Buổi đầu nhập ngũ, phần lớn phải dùng gậy, không chỉ thay súng để luyện tập, mà ngay cả khi hành quân ra trận. Bởi thế có đao, kiếm được rèn từ tà vẹt, đường ray của vùng “tiêu thổ kháng chiến” là quý lắm rồi. Còn trang bị cá nhân ra sao? “Áo vải, chân không…”!

Với bạn đọc bây giờ, khái niệm “áo vải” hơi khó hiểu, nhưng thời kháng chiến chống Pháp trở về trước, nói áo vải là nói loại áo bình dân, rẻ tiền của người lao động, đối lập lụa là, gấm vóc của giới quyền quý. Người ta gọi Nguyễn Huệ là người “anh hùng áo vải” cũng theo nghĩa ấy. Còn “chân không” thì ai cũng hiểu được: Chân trần, không giày dép. Trang bị thiếu thốn như vậy mà người lính vẫn lạc quan “Lòng vẫn cười vui kháng chiến”, vẫn chủ động tiến công kẻ thù: “Đi lùng giặc, đánh”!

Thời chống Mỹ, nhiều nhà phê bình khen các nhà thơ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu… đã đưa được nhiều chi tiết sinh hoạt của người lính vào thơ. Điều ấy đúng, nhưng người tiên phong việc này phải kể đến Hồng Nguyên trong bài thơ này. “Chúng tôi đi/ Nắng mưa sờn mép ba lô…”. Nếu tác giả không phải là người lính thì cũng phải lăn lộn nhiều năm với lính mới có mắt nhìn và nhận xét chính xác này. Với ba lô, các mép do cộm lên vì hai lần vải, nên bao giờ cũng sờn trước!

Nhà thơ Hồng Nguyên có con mắt quan sát thật tỉ mỉ, cụ thể trên bước đường hành quân của người lính và ghi lại những hình ảnh điển hình vừa tự nhiên, vừa đẹp, vừa nói được tình đồng đội trong thiếu thốn gian khổ:

“Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa”

Ba câu trên có thể quan sát bằng mắt, riêng câu thứ tư, nếu tác giả chưa từng trải thì khó có thể viết được “Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa”. Lính ta hành quân, đêm khi được dừng nghỉ lại, do mệt mỏi nên ngủ ngon lành. Nhưng đêm trời mưa, không có chăn đắp nên rét, chân vô thức quờ tìm hơi ấm. Mỗi lần đọc, mỗi lần thương!

ADQuảng cáo

Trong bài thơ này, tác giả đưa vào nhiều lời đối thoại, trước hết là đối thoại hết sức ngắn gọn, thân mật của người lính với cách xưng hô dân dã chứ không “điều lệnh” một chút nào khi gọi đồng chí của mình là “đằng nớ” và tự xưng là “tớ”! Nhưng qua câu trả lời “tớ còn chờ độc lập” nói lên được ý nghĩ của người lính thời chống Pháp.

Ngày đó chúng ta có khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”. Người lính gác chuyện riêng tư để lên đường giết giặc, cứu nước. Đó không chỉ là ý nghĩ của người lính, mà của mọi người, kể cả dân quân, du kích, như mấy câu ca dao: “Chị em du kích Thái Bình/ Ca lô đội lệch vừa xinh, vừa dòn/ Người ta hỏi chuyện chồng con/ Lắc đầu nguây nguẩy: Em còn đánh Tây”.

Còn hậu phương người lính thì sao? “Mái lều gianh tiếng mõ đêm trường…/ Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân trên cối gạo canh khuya”, heo hút buồn, khác rất xa cảnh hậu phương làm ăn tập thể thời chống Mỹ, cứu nước. Nói về tình quân dân, không chỉ câu: “Có mẹ hiền bắt rận/ cho những đứa con xa” là nét đặc trưng thời ấy, ai cũng hiểu được, nhưng câu “giường kê cánh cửa” thì không dễ lĩnh hội đối với nhiều người.

Tôi nhớ, trong chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, một nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng đã ngâm thành “giường kê cạnh cửa”, vì đối với bà, như thế mới hiểu được! Sự thật, “giường kê cánh cửa” là hình ảnh thật hay, thật xúc động nói về tình cảm quân dân thời ấy, “chật nhà nhưng rộng tình thương”. Nhà chật, không có giường thì gia chủ tháo cánh cửa nhà mình xuống kê thành giường cho bộ đội nghỉ, một cử chỉ rất quen thuộc ở địa phương khu Bốn thời chống Pháp.

Hậu phương thời ấy còn có những người dân quân mới làm quen vũ khí, được tác giả khắc họa thật cụ thể: “Trong điếm nhỏ mươi người trai tráng/ Sờ chuôi lựu đạn/ Ngồi thổi nùn rơm/ Thức vừa rạng sáng…”. “Sờ chuôi lựu đạn” ở đây không phải để sẵn sàng chiến đấu, mà vì lựu đạn mới được phát, chưa quen mang, nên mọi động tĩnh đều hết sức thận trọng với thứ vũ khí này!

Với thể thơ tự do phóng túng, bài thơ ôm chứa được nhiều chi tiết sống động. Như chúng ta đã biết, thể thơ tự do đã xuất hiện trước đó trong “phong trào Thơ Mới”, nhưng khi đó mức độ “tự do” còn hạn chế vì số chữ trong các câu thường như nhau, chỉ sau Cách mạng Tháng Tám và đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thể thơ này mới phát triển hết cỡ, tiên phong là các nhà thơ quê Thanh Hóa như Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên và Hữu Loan.

Dù bài thơ có nhược điểm là dùng hơi nhiều tiếng địa phương khu Bốn trong một số câu đối thoại có thể làm khó hiểu đối với bạn đọc các vùng khác, nhưng "Nhớ" của Hồng Nguyên vẫn là một trong số những bài thơ hay nhất viết về người lính chúng ta trong gần bảy chục năm qua.
(Theo Văn nghệ Quân đội)

Nhớ

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ thuở “Một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mười bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm đao kiếm
Áo vải, chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều gianh
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân trên cối gạo canh khuya.
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa
- Đằng nớ, vợ chưa?
- Đằng nớ?
- Tớ còn chờ độc lập!
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động
Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng
Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng
Tôi nhớ bờ tre gió lộng
Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau
Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau
Có tiếng gà gáy xóm
Có “Khai hội, yêu cầu, chất vấn"
Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa
Trăng lên tập hợp hát om nhà.
Tôi nhớ
Giường kê cánh cửa
Bếp lửa khoai vùi
Đồng chí nớ vui vui
Đồng chí nớ dạy tui dăm ba chữ
Còn mô đồng chí nữa
Kể chuyện Bình Trị Thiên
Cho bầy tui nghe ví!
Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí:
- Thưa trong nớ hiện chừ còn vô cùng gian khổ
Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri.
Đêm đó chúng tôi đi
Nòng súng nghiêng nghiêng
Đường mòn thấp thoáng
Trong điếm nhỏ mươi người trai tráng
Sờ chuôi lựu đạn
Ngồi thổi nùn rơm
Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc:
“Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc”!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nhớ" - Bài thơ hay viết về người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO