Nhân 65 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Mỹ thuật: Kim chỉ nam cho giới nghệ sĩ

Mỹ Hằng thực hiện| 09/12/2016 09:11

Cách đây 65 năm, ngày 10/12/1951, Bác Hồ gửi thư cho giới Mỹ thuật Việt Nam động viên và nói rõ vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật trong xã hội. Nhân kỷ niệm sự kiện này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với ông Đặng Văn Dung, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh xung quanh hoạt động của mỹ thuật Đắk Nông thời gian qua.

ADQuảng cáo

Hội Xòe chá. Tranh: Thùy Linh

PV: Ông có thể cho biết sự ra đời của Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và ý nghĩa của nó?

Ông Đặng Văn Dung: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bác từng nói chuyện nhiều lần và gửi 4 bức thư cho giới văn nghệ sĩ của cả nước. Ngày 10/12/1951, Bác Hồ đã gửi bức thư cho giới Mỹ thuật Việt Nam, nội dung chỉ gói gọn 300 từ nhưng vô cùng súc tích, toàn diện.

Trong bức thư đó, Bác đã xác định rõ vị trí của văn hóa nghệ thuật và vai trò của văn nghệ sĩ trong xã hội; chỉ ra những mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật với hiện thực cuộc sống, với kinh tế chính trị, đối tượng phản ánh, với công chúng hưởng thụ hay với việc nâng cao chất lượng sáng tác và tiền đồ của văn hóa nghệ thuật.

Bác viết: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân mà trước hết là công, nông, binh. Để làm tròn, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết... Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình”.

Đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cụ thể trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; đồng thời cũng là lời giáo huấn có ý nghĩa quan trọng, là “kim chỉ nam” vạch lối chỉ đường, có giá trị lý luận và thực tiễn, được xem như là một văn kiện quan trọng mãi giữ nguyên giá trị trong các chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng và Nhà nước.

Ngày 10/12/2001, tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, giới Mỹ thuật Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm và lấy ngày 10/12 hàng năm là Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó, hàng năm, giới Mỹ thuật đều tổ chức lễ kỷ niệm để cùng nhau ôn lại những điều mà Bác Hồ giáo huấn trong thư.

PV: Ông có thể đánh giá về sự tiến bộ và những kết quả mà mỹ thuật tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

ADQuảng cáo

Ông Đặng Văn Dung: Những năm gần đây, hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng cũng như chất lượng. Tại các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật, nhiều tác phẩm của các tác giả trong tỉnh lọt vào vòng chung kết của Hội Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, hình thức thể hiện và chất lượng ngày càng tăng lên. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các họa sĩ, nhà điêu khắc trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, Chi hội Mỹ thuật trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 17 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 3 hội viên trung ương và 12 hội viên địa phương. Nhiều tác phẩm của hội viên được chọn tham gia trưng bày tại các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc gia và khu vực, được hội đồng nghệ thuật cũng như giới nghệ sĩ đánh giá rất cao.

Tiêu biểu như tại cuộc thi sáng tác Logo tỉnh Đắk Nông, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Ngọc Khai đã đạt giải nhất. Tại Triển lãm mỹ thuật khu vực VII - Đông Nam bộ lần thứ 19 tổ chức tại tỉnh Bình Dương, các tác phẩm “Hội xòe chá” (Nguyễn Thùy Linh); “Đánh tan quân thù”, “Nét Tây Nguyên” (Nguyễn Xuân Hải)… được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tham gia giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Riêng tác phẩm “Chiều bên thác Đray Sáp” (Nguyễn Ngọc Khai) được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng giải thưởng.

Đặc biệt, năm 2015, tác phẩm “Nơi đầu sóng ngọn gió” của tác giả Nguyễn Đắc Sáng (Đắk Mil) được chọn tham dự triển lãm tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể nói, hoạt động mỹ thuật của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất dành cho hoạt động mỹ thuật còn nhiều hạn chế; nơi trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc chưa có, nên hầu hết các tác phẩm chưa được công chúng biết đến.

PV: Được biết, đây là lần đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Mỹ thuật. Vậy ông có thể cho biết hoạt động này có ý nghĩa như thế nào đến hoạt động mỹ thuật, giới họa sĩ tỉnh nhà?

Ông Đặng Văn Dung: Đối với giới văn nghệ sĩ nói chung và giới họa sĩ nói riêng thì tư tưởng trong mỗi tác phẩm rất quan trọng. Đối tượng phục vụ của giới mỹ thuật ngày càng rộng rãi, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống hàng ngày của nhân dân, không những trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình mà còn trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc tổ chức tọa đàm, ngoài nội dung ôn lại những điều Bác Hồ giáo huấn trong thư thì đây còn là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật tỉnh trình bày quan điểm, tư tưởng, cùng nhau đóng góp ý kiến để xây dựng hoạt động mỹ thuật ngày càng phát triển. Trên cơ sở đó, các nghệ sĩ, họa sĩ tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phát huy tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật để hòa mình vào cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu trong thời kỳ mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân 65 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Mỹ thuật: Kim chỉ nam cho giới nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO