Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch

Mỹ Hằng| 15/12/2017 09:14

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch có vai trò quan trọng trong việc quyết định trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển ngành du lịch của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh vẫn còn trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

ADQuảng cáo

Vừa thiếu, vừa yếu

Những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lượng khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Đắk Nông ngày một nhiều. Nếu như năm 2011 có 140.000 lượt khách đến tham quan thì đến tháng 9/2017 có 212.500 lượt khách; trong đó khách nội địa là 207.120 lượt và 5.380 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch cũng tăng, đạt 21,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành du lịch tỉnh hiện nay là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay lực lượng lao động trong ngành du lịch tỉnh có khoảng 955 người, chủ yếu là lao động phục vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng, đại học chiếm khoảng 27,5%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn về du lịch chỉ khoảng 17%.

Lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ quản lý, nhân viên khách sạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức

Trên thực tế, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, toàn tỉnh có 199 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 2.221 phòng; trong đó, có 21 khách sạn và 178 nhà nghỉ đã đáp ứng nhu cầu ngủ, nghỉ của du khách. Tuy nhiên, phần lớn các chủ cơ sở lưu trú đều chưa qua trường lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ chưa cao và chưa mang lại sự hài lòng cho du khách. Mặt khác, đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ cho hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp cũng chưa được bồi dưỡng các kỹ năng, kiến thức cần thiết.

Ông Võ Khắc Đồng, Giám đốc Công ty Du lịch khám phá và phát triển cộng đồng Chi nhánh Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua, công ty đã tổ chức đưa nhiều đoàn khách nước ngoài đến Đắk Nông tham quan, tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng tiếc thay, hướng dẫn viên biết ngoại ngữ tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh hầu như không có. Vì vậy, mỗi khi có đoàn du khách quốc tế, công ty phải thuê các cộng tác viên ở Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh đến hỗ trợ, nên thường xuyên bị động trong việc điều phối nhân viên”.

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Hải, nhân viên quản lý Khách sạn Victory (Gia Nghĩa) cho hay: “Nhân viên khách sạn trước khi được tuyển dụng đều đòi hỏi phải có kiến thức, biết cách ứng xử khi giao tiếp với khách. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có du khách quốc tế đến lưu trú, chúng tôi cũng thường loay hoay khi trao đổi, hướng dẫn điểm du lịch vì lâu nay không được cập nhật các thông tin cần thiết”.

Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Ðắk Nông là phấn đấu đến năm 2020 đón 530.000 lượt khách và doanh thu du lịch là 880.000 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động phục vụ trực tiếp cho ngành du lịch.

Cản trở lớn đối với phát triển du lịch

Theo bà Vũ Thị Ái Duyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương phát triển. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, ngành cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, ứng xử cho đội ngũ quản lý, nhân viên tại các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng lao động trong gia đình chưa được đào tạo bài bản để tự quản lý và kiêm luôn cả nhân viên phục vụ tại nhiều cơ sở lưu trú vẫn còn khá phổ biến nên kỹ năng nghề nghiệp chưa cao cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Số lao động tại các nhà hàng, khách sạn không ổn định, thường xuyên thay đổi. Đây là một cản trở lớn đối với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông.

Hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn thực thụ cho du lịch tỉnh Đắk Nông vẫn còn thiếu

Thực tế đó đang đặt ra cho tỉnh nhiều vấn đề cần phải quan tâm trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Về phía các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng phải chú trọng tự đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp về kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ du khách của đội ngũ quản lý, nhân viên. Vì mục tiêu phát triển du lịch về lâu dài của Đắk Nông, đã đến lúc, vấn đề nguồn nhân lực trong ngành du lịch phải được quan tâm đúng mức, không thể theo kiểu “ăn xổi” được. Có như vậy, tỉnh mới có thể nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, thu hút du khách gần xa đến địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO