Người tiền sử trong Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô

Vũ Hà| 22/09/2017 11:09

Người tiền sử trong Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô là cách nói văn nghệ ví von. Thực chất, đó là không gian sinh tồn và những di chỉ, di vật mà người tiền sử để lại từ hàng ngàn năm về trước trong phạm vi Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô.

ADQuảng cáo

Các di vật khảo cổ các nhà khoa học phát hiện được trong hang động núi lửa Krông Nô. Ảnh tư liệu

Những năm trước đây, chưa kể các phát hiện ngẫu nhiên của người dân địa phương, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều di chỉ, di vật khảo cổ trong phạm vi Công viên Ðịa chất Núi lửa Krông Nô tại 12 địa điểm, gồm: Cánh Nam, Nam Xuân (Krông Nô), Trường Xuân, Ðắk Tơn (Ðắk Song); Ðắk R’la, Ðắk Lao (Ðắk Mil); Trung Sơn, Thác Lào, Suối Tre, Thôn Sáu, Thôn Bảy, Thôn Tám (Chư Jút); trong đó, di chỉ Thôn Tám, xã Ðắk Wil, huyện Chư Jút được khai quật hai lần vào năm 2006 và 2013.

Tại các di chỉ và di vật khảo cổ nêu trên đã phát hiện được khá nhiều hiện vật đồ đá, đồ gốm là công cụ lao động sản xuất và đồ dùng sinh hoạt của người tiền sử. Một điểm chung là, hầu hết các di chỉ và di vật khảo cổ phân bố tại các gò đồi, nương rẫy hoặc ven sông suối, trong đó hầu hết các di vật nằm dưới lớp đất mặt và một số di vật phát lộ trên mặt đất. Kết quả nghiên cứu về các di chỉ và di vật khảo cổ này đã xác nhận rằng, đây là nơi cư trú, hoặc nơi chế tác công cụ lao động và sinh hoạt của cư dân tiền sử từ thời đại đá mới đến sơ kỳ kim khí có niên đại từ 6000 đến 3000 năm cách ngày nay.

Tuy nhiên tính đến năm 2016, các nhà khảo cổ học Việt Nam mới chỉ phát hiện các điểm di chỉ khảo cổ trong khu vực Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, mà chưa hề được phát hiện trong các hang động núi lửa. Cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ đột xuất của Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam”, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, lần đầu tiên các nhà khảo cổ mới phát hiện được nhiều di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày trong các hang động núi lửa ở Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô.

Các di vật khảo cổ vừa được phát hiện trong các hang động núi lửa ở Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô rất nhiều và đa dạng: Đồ đá bao gồm đá nguyên liệu và các công cụ đá; rất nhiều dụng cụ bằng gốm (đất sét nung lủa) chủ yếu là nồi và đồ đựng; các mảnh xương ống của động vật. Ngoài các mảnh xương trong hang còn có các răng hàm động vật đang hóa thạch – có thể đây là các răng thú của những động vật ăn cỏ. Đặc biệt, ngoài xương động vật, không loại trừ có cả xương người tiền sử (đang xác minh, nghiên cứu).

ADQuảng cáo

Những hang động phát hiện ra các di vật khảo cổ có diện tích nền hang khá rộng, nền hang tương đối bằng phẳng, thông thoáng, cửa hang quay về hướng đông, đông nam hoặc chính nam là nơi có nhiều ánh sáng, cửa hang ra vào dễ dàng và phân bố ở gần nguồn nước... Đây là những hang động tiện lợi cho nơi ở và sinh hoạt của cư dân tiền sử thời hoang dã. Đây cũng là những hang động mà các nhà khoa học thu được nhiều hiện vật khảo cổ hơn cả.

Việc phát hiện ra các công cụ lao động (đồ đá), dụng cụ dùng sinh hoạt (đồ gốm) và xương động vật (còn lại sau khi lấy thịt thú rừng để ăn) đã chứng tỏ hang động là mái nhà thiên nhiên, là nơi cư trú của người tiền sử thời “ăn lông ở lỗ”... Đặc biệt, trước đây tại các điểm khảo cổ mà các nhà nghiên cứu đã khai quật trên địa bàn Tây Nguyên chưa hề có xương người, nhưng ở khu vực hang động núi lửa Krông Nô khả năng có xương người. Đây là tín hiệu rất đặc biệt, khẳng định những di vật xương người chính là di cốt của chủ nhân đã từng cư trú, sinh sống tại đây với các phân khu nhà ở, khu mộ táng được thể hiện một cách rõ ràng.

Việc phát hiện nhiều di tích, di vật khảo cổ ở hang động núi lửa Krông Nô có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi đây là những phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên và Việt Nam. Hơn thế nữa, đối với giới khoa học, đây là một phát hiện gây “chấn động”, bởi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là một trong những hang động lớn nhất Đông Nam Á và là hang động núi lửa duy nhất phát hiện dấu tích sự sống con người thời tiền sử.

Những phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Krông Nô sẽ được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu chi tiết để bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên và mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, những di tích, di vật nói trên đồng thời sẽ là một chứng cứ khoa học có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét, đề nghị công nhận danh hiệu “toàn cầu” đối với Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiền sử trong Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO