Người dân phải là chủ thể trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Mỹ Hằng| 22/07/2016 11:08

Từ nhiều năm nay, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải có biện pháp lâu dài nhằm nâng cao tính hiệu quả.

ADQuảng cáo

Phụ nữ M'nông biểu diễn dân ca, dân vũ, đánh chiêng trong lễ hội

Người dân trăn trở

Gia đình ông K’pa ở thôn 1, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) hiện có 1 bộ cồng chiêng cổ, cùng hàng chục ché rượu cần hàng trăm năm tuổi nhưng cũng đành cất ở góc nhà. Bởi theo ông K’pa, nhiều lúc cũng muốn mang cồng chiêng ra đánh cho bon làng vui nhộn, âm thanh cồng chiêng khỏi lạc lõng, nhưng môi trường diễn tấu không có, nhiều năm trở lại đây địa phương hầu như không có các hoạt động lễ hội, văn hóa gì nên không sử dụng được.

Bà con trong bon ai cũng lo kiếm kế sinh nhai nên ít quan tâm đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Dệt thổ cẩm, đan lát cũng thế, cuộc sống hiện tại bị kinh tế chi phối nên các việc đan lát không được làm thường xuyên, hơn nữa hiện chả mấy người quan tâm và đến “đặt hàng” như ngày trước.

Ông K’pa cho biết: “Đánh cồng chiêng hay múa xoang của người Mạ phải có môi trường diễn tấu thì mới hay, mới thấy được ý nghĩa của hồn thiêng dân tộc. Cất giữ bộ chiêng mà không để chúng phát âm thanh, tôi cũng buồn lắm nhưng không làm được gì”.

Tương tự, gia đình ông Y Prứk ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút) cũng được cha mẹ để lại ngôi nhà dài hàng trăm năm tuổi cùng hệ thống các cổ vật như chiêng, ché, ghế chân dê, ghế Kpan, trống da voi, nồi đồng… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên gia đình ông mang bán một số cổ vật cũng như rao giá bán ngôi nhà dài.

Ông Y Prứk tâm sự: “Khi bán những cổ vật mà cha ông để lại, gia đình cũng tiếc lắm nhưng kinh tế khó khăn nên đành chịu. Ngôi nhà dài không có người ở nên đã mục nát, giờ không bán thì để cũng chẳng làm được gì”.  

Còn nghệ nhân Y Sim ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) thì cho biết, trước đây, mỗi khi địa phương tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ, ông luôn được mời hướng dẫn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động truyền dạy ngày càng im ắng. Một số người từng học đánh cồng chiêng và đã đánh được, nhưng lâu không sử dụng cũng như không có cơ hội thể hiện nên học rồi cũng như không.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Y Sim nói: “Vẫn biết bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc thì trách nhiệm trước hết phải là chính đồng bào, nhưng để làm được điều này rất khó. Tôi trăn trở rất nhiều và cũng tâm sự nỗi lòng với bà con, nhưng cuộc sống nó chi phối nhiều quá. Vì vậy, dù nhiều người vẫn có ý thức bảo tồn nhưng vẫn không làm được”.

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc phải bắt đầu từ ý thức của người dân

Nhưng chính đồng bào là người quyết định

Trong những năm qua, tỉnh ta luôn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân trong việc bảo tồn, xây dựng và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Hàng năm, các cấp, ngành tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa như liên hoan, giao lưu văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng… nhằm khơi dậy, thu hút các nghệ nhân, diễn viên và các đội văn hóa, văn nghệ ở cơ sở tham gia. Các nghệ nhân được vận động, khuyến khích truyền dạy các điệu múa, bài hát của dân tộc mình cho thế hệ kế cận.

Đặc biệt thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ tỉnh, giai đoạn 2010-2015”, nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát cũng như chế tác nhạc cụ truyền thống được triển khai tổ chức thường xuyên.

Tuy nhiên, việc truyền dạy này được thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, người đi học được tiền bồi dưỡng, người truyền dạy có chế độ. Vì vậy, khi có nguồn kinh phí thì có người học, hết kinh phí thì lớp học vắng. Học xong không có môi trường diễn tấu, đầu ra cho sản phẩm nên người học lại quên “chữ”, đành trả “vốn liếng” lại cho thầy. Trong khi đó, những người già lại rất ít khi truyền lại cho con cháu trong nhà một cách tự giác.

Nói về vấn đề này, ông K’Wăn, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đắk Glong trăn trở: “Trước đây, khi thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc trên địa bàn tỉnh”, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, khi Đề án kết thúc thì công tác bảo tồn văn hóa của các dân tộc đã gặp nhiều trở ngại lớn. Chỉ khi nào địa phương có sự kiện gì nổi bật thì mới mời các nghệ nhân đánh cồng chiêng, còn bản thân đồng bào tự gìn giữ bản sắc văn hóa là rất ít”.

Ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Đức cho rằng: “Có rất nhiều bài toán đặt ra về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nhưng mọi lời giải trước hết đều phải chính người dân quyết định. Tuyên truyền, vận động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, chính đồng bào cần phải nhận thức được giá trị, vai trò của văn hóa truyền thống thì mới biết mình cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân phải là chủ thể trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO