Người đam mê khám phá hang động Sêrêpốk

Đức Hùng| 23/01/2015 09:50

Trong những ngày đi tìm hiểu về hang động núi lửa bên dòng Sêrêpốk, chúng tôi được một người biết khá tường tận nơi này dẫn đường, đó là anh Nguyễn Thanh Tùng, 40 tuổi, hướng dẫn viên của Khu du lịch thác Đray Sáp (Krông Nô). Theo tâm sự của anh Tùng thì anh đã “nhập cuộc” với công việc này từ sự đam mê.

ADQuảng cáo

Anh Tùng (áo trắng ở giữa) cùng lực lượng kiểm lâm trong một chuyến khám phá hang động

Tuổi học trò đã đốt đuốc tìm hang

Nhà ở thôn Đức Lập, xã Đắk Sô (Krông Nô), khi còn là học sinh phổ thông, trong một lần đi lấy mai rừng, anh được những người đánh cá trên dòng Sêrêpốk kể chuyện về những hang động trong rừng. Câu chuyện đã kích thích trí tò mò nên những hôm không đi học, anh rủ bạn cùng vào rừng tìm hang xem nó như thế nào.

Không có đèn pin, anh cùng bạn dùng những cây tre tẩm dầu làm đuốc để vào khám phá hang. Lắm lúc mê mẩn với những cảnh đẹp trong hang, khi ngọn đuốc tàn và ngày sắp hết, anh mới chịu về. Cứ thế, những hang được người đồng bào kể, người đi rừng chỉ cho, anh lần lượt vào khám phá.

Có những lần nghe theo lời chỉ dẫn, anh đi mãi trong rừng, vừa đi vừa phát cây vừa đánh dấu đường, đến khi đặt chân tới miệng hang thì cũng là lúc mặt trời đã xuống núi, nên đành ngồi ở miệng hang nghỉ ngơi lấy lại sức để hôm sau tìm hiểu.

Anh Tùng tâm sự: “Khi phát hiện một hang động, tôi rất thích thú và muốn vào tận bên trong để xem có gì. Đứng trước các hang động, cảm giác rất khó tả, hồi hộp, lo lắng xen lẫn thú vị, kích thích, vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Mỗi hang, tôi thường vào nhiều lần để xem, khám phá bao nhiều điều thú vị trong đó. Tìm được hang nào, tôi cố gắng nhớ dựa trên những cây rừng, hướng di chuyển, xác định hướng và khoảng cách giữa các hang để tạo được một mắt xích nào đó. Bằng cách này, tôi có thể nhớ được các hang và tìm ra nó dễ dàng khi cần. Qua kinh nghiệm nhiều năm, để có thể đi vào hang nhiều ngày và đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi luôn trang bị các vật dụng cần thiết như mũ bảo hộ, đèn pin, băng cá nhân, dầu nóng, một chiếc gậy …”.

Chia sẻ niềm đam mê

Học xong lớp 12, đi học sư phạm môn tiếng Anh tại Trường Đại học Tây Nguyên, nhưng mỗi khi có dịp nghỉ học, anh lại về hang động tìm hiểu thêm. Rồi cái đam mê thích đi đây đó, thích khám phá, mạo hiểm đã khiến anh “bén duyên” với nghề hướng dẫn viên du lịch và năm 2007, về làm tại Khu du lịch thác Đray Sáp.

ADQuảng cáo

Từ khi về làm việc tại khu du lịch, anh có nhiều thời gian hơn để khám phá hệ thống hang động ở xung quanh khu vực này. Và trong khoảng 100 hang lớn nhỏ mà anh biết thì phần lớn anh đã đặt chân đến.

Sau những chuyến tìm hiểu ấy, anh nảy ra ý định quảng bá cảnh đẹp hang động để mọi người được biết, cùng gìn giữ. Cùng với việc chụp lại những cảnh đẹp trong hang, anh còn nhờ bạn bè ở Đài truyền thanh huyện quay video, viết lời bình, rồi in đĩa bán cho du khách.

Mỗi lần anh in khoảng 20 đĩa, cứ bán đủ vốn là lại mang đi tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan. Cứ thế đã có khoảng 1.000 đĩa và 10.000 tờ rơi với những cảnh đẹp của hang động được bán, tặng cho du khách.

Anh Nguyễn Thanh Tùng say mê khám phá hang động

Sống trong hang nhiều hơn ở nhà

Từ năm 2011, khi đoàn khảo sát, nghiên cứu hang động của Nhật Bản đến tìm hiểu, nghiên cứu thì anh Tùng trở thành người hướng dẫn và theo đoàn làm việc. Chính nhờ việc anh nắm khá rõ “đường đi lối về” của những hang động đã góp phần rất lớn trong công việc nghiên cứu, đo đạc, thống kê, đánh dấu vị trí trong thời gian qua. Mỗi chuyến đi hang cùng đoàn nghiên cứu kéo dài cả tuần và nhiều hôm phải ăn, ngủ trong hang.

Anh Tùng chia sẻ: “Đây được xem là khoảng thời gian tôi sống trong hang động nhiều hơn ở nhà, thật hết sức thú vị. Ngoài được gặp gỡ, làm việc với những người cùng đam mê thì tôi còn được bổ sung thêm nhiều kiến thức mới về cách khám phá hang động. Và đam mê như được chắp cánh khi những gì mình nhìn thấy đã được những chuyên gia gợi mở bằng những cách lý giải hết sức khoa học. Tôi không ngờ có ngày lại được chia sẻ những hiểu biết với những người cùng đam mê hang động như mình”.

Theo anh Tùng thì mặc dù ra vào hang nhiều lần, nhưng mỗi chuyến đi mọi thứ đều rất mới mẻ với nhiều khám phá thú vị. Mỗi hang có một vẻ đẹp riêng do quá trình tuôn trào của nham thạch núi lửa, tạo nên những hình thù trên bề mặt hang hết sức kỳ thú. Trong tất cả các hang động thì hang C7 ở thôn Nam Tân, xã Nam Đà (Krông Nô) dài 1.066m, chỉ có một lối đi hơn 20m, phải đi bằng thang dây mới xuống được, thích hợp cho những người thích mạo hiểm.

Anh luôn chia sẻ mình là người “giàu có” về sự đam mê và mong cái đẹp, sự kỳ thú của những hang động được nhiều người biết tới, được khám phá, được giữ gìn và tiếp nối cho các thế hệ. Với những kiến thức về hang động, anh cũng mong muốn sẵn sàng chia sẻ, giới thiệu cho du khách khi đến khám phá, tìm hiểu hang động trong hành trình khai thác du lịch trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đam mê khám phá hang động Sêrêpốk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO