Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm

Nguyễn Hồng (t.h)| 29/04/2021 09:12

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Óoc - om - boóc… Múa trống Chhay-dăm được hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian và phát triển thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn và vui nhộn...

ADQuảng cáo

Sự hình thành và phát triển

Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Tây Ninh, múa trống lúc đầu hình thành chủ yếu trong các dịp tết (Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ Đolta); cúng, đón rước thần linh. Sau đó, múa trống xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng trong phum, sóc của đồng bào dân tộc Khmer. Ngày nay, điệu múa trống Chhay-dăm được biểu diễn tại các nhà văn hóa dân tộc, lễ hội của dân tộc Khmer, Hội Yến Diêu trì cung của tòa thánh Cao Đài Tây Ninh...

Trống Chhay - dăm

Trống Chhay - dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Phần đầu trống phình to được bịt da trâu hay trăn khô, phần đuôi trống nhỏ hơn, được kết nối với chân trống làm bằng kim loại.

Để biểu diễn múa trống Chhay-dăm phải có ít nhất 12 người, mỗi người mang trên mình một chiếc trống. Tuỳ vào người lớn hay nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Chhay - dăm thường có từ 4 - 6 cái trống Chhay - dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).

ADQuảng cáo

Biểu diễn trống Chhay-dăm

Điệu múa dân gian độc đáo

Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay - dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng. Múa trống Chhay - dăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm những động tác đơn giản đến phức tạp.

Ngoài giữ tiếng trống luôn đều đặn, nhịp nhàng cùng tập thể, người múa còn dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân để đánh vào trống của mình và của bạn đồng diễn. Các động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát. Trong lúc nhào lộn, phần chân trống làm bằng kim loại chạm vào sàn diễn tạo âm thanh lốp cốp đặc trưng riêng.

Cái khó nhất của người biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác từ chi tiết nhỏ nhất. Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân thì phải kết hợp với nhào lộn nhưng vẫn phải bảo đảm âm thanh vang, không mất tiếng, nhằm tránh làm hạn chế cảm xúc và sự hào hứng của người nghe. Trong lúc nhào lộn, phải ôm chặt trống vào người mà không được để chạm sàn diễn, tạo âm thanh lốp cốp...

Tháng 2/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa loại hình nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của Tây Ninh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO