Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở

Mỹ Hằng| 15/12/2014 10:31

Theo thống kê, hiện tại, toàn tỉnh có hơn 120 cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa ở cấp huyện, thị xã và mỗi xã, phường, thị trấn có một cán bộ đảm nhận công tác văn hóa.

ADQuảng cáo

Trong đó, trên 50% cán bộ làm công tác văn hóa có trình độ đại học, cao đẳng theo đúng chuyên ngành, số còn lại thuộc các chuyên ngành xã hội khác. Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định trong hoạt động, nhưng lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở đã góp phần không nhỏ trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa.

Mặt khác, việc quản lý và sử dụng sự đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa cũng như tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa cũng ngày càng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Cán bộ văn hóa xã Nhân Đạo tuyên truyền cho người dân về Chương trình Xây dựng nông thôn mới

Có được kết quả trên thì cùng với việc xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức ngành văn hóa, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, nhất là người dân tộc thiểu số. Hàng năm, ngành văn hóa đều tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý văn hóa, lễ hội cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở…

Tỉnh cũng thường liên kết với các cơ sở, trung tâm đào tạo các cấp để bồi dưỡng về trình độ về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa.

Đến nay, tỉnh đã cử hơn 10 trường hợp cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ đi học các chuyên ngành nghệ thuật và đào tạo trung cấp quản lý văn hóa - thông tin cho hơn 70 cán bộ văn hóa cấp xã. Nhờ vậy, việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa đã được đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở phối hợp với các nghệ nhân, già làng, người uy tín cộng đồng quan tâm thực hiện.

ADQuảng cáo

Môi trường văn hóa có những thay đổi, chuyển biến rõ rệt, tạo được nét văn hóa mới theo định hướng vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Đời sống văn hóa cơ sở không ngừng phát triển, chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ngày càng được nâng cao, hạn chế được những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Mức hưởng thụ về văn hóa giữa người dân thành thị và nông thôn đã thu hẹp dần.

Cán bộ văn hóa cơ sở là một trong 7 chức danh cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã, phường, thị trấn. Họ cũng là những người trực tiếp quản lý nhà nước về phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân.

Chỉ đơn cử như để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, một nội dung rất quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, cán bộ văn hóa cơ sở phải có kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương mình để tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức sinh hoạt văn hóa đúng với ý nghĩa từng sự kiện.

Cán bộ văn hóa cơ sở còn quản lý cả hệ thống thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nên cũng phải luôn tìm cách cho các thiết chế này hoạt động để tồn tại, đúng định hướng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng…

Có thể nói, trong xu thế phát triển hiện nay, cán bộ văn hóa ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các hoạt động, tiêu chí văn hóa cơ sở, nhất là sử dụng, phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa. Vì vậy, cùng với việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thì các địa phương cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ văn hóa có cơ hội học hỏi chuyên sâu hơn trong lĩnh vực mình đảm nhận.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa là điều hết sức cần thiết để cán bộ văn hóa cơ sở có đất “dụng võ”, thể hiện được khả năng chuyên môn của mình cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO