Mỹ thuật miền Đông Nam bộ có bước phát triển mới

Mỹ Hằng thực hiện| 21/08/2015 09:17

Trong các ngày 13-22/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 20 năm 2015, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Nhân Triển lãm Mỹ thuật tại Đắk Nông lần này, xin ông đánh giá sơ bộ về sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam?

Họa sĩ Trần Khánh Chương

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Trong những năm qua, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển và mang lại những thành tựu nhất định, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khi nền kinh tế đất nước chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động mỹ thuật đã có sự thay đổi đa dạng, phong phú và phát triển mạnh mẽ. Quan niệm về nghệ thuật trở nên đa dạng, dân chủ và mở rộng hơn. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao, đội ngũ nghệ sĩ và công chúng yêu mỹ thuật cũng đông đảo hơn.

Hoạt động hợp tác, trao đổi mỹ thuật, triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật và triển lãm quốc tế diễn ra sôi động. Hệ thống trường đào tạo mỹ thuật hình thành và mở rộng ngành học đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật. Một số di sản mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Các doanh nghiệp mỹ thuật, gallery ngày càng phát triển đã từng bước góp phần hình thành nên thị trường mỹ thuật. Nhờ đó, mỹ thuật Việt Nam được công chúng trong nước và quốc tế biết đến, vị trí và uy tín trên trường quốc tế  được nâng cao hơn.

PV: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách nào nhằm thúc đẩy sự phát triển mỹ thuật Việt Nam, thưa ông?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Từ sau khi đất nước tiến hành đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước…

Đảng ta đã xác định đường lối, nguyên tắc, tính chất cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó có sự nghiệp phát triển mỹ thuật. Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập để phát triển nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa Việt Nam là thế mạnh mà chúng ta cần nâng niu, trân trọng.

Theo đó, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, hàng năm Hội Mỹ thuật Việt Nam đều phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức triển lãm mỹ thuật. Cả nước chia làm 8 khu vực để triển lãm và đã tổ chức hơn 200 cuộc triển lãm mỹ thuật tại 59/63 tỉnh thành, thu hút hàng ngàn tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong cả nước tham dự.

ADQuảng cáo

PV: So với các lần triển lãm trước, Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 20 năm nay có gì khác, thưa ông?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: So với các lần triển lãm trước, Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII, lần thứ 20 có nhiều bước tiến mới, quy tụ một lượng lớn tác phẩm của nhiều tác giả trong khu vực tham gia. Ngay từ khi phát động, Ban tổ chức đã nhận được 314 tác phẩm và Hội đồng nghệ thuật đã chọn trưng bày 203 tác phẩm của 184 tác giả (46 tác giả là hội viên Trung ương và 138 hội viên địa phương).

Qua triển lãm mới thấy được bước phát triển mới của mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ. Bởi các triển lãm trước, số lượng tác phẩm tham gia ít và chất lượng cũng chưa cao, các loại hình thể hiện vẫn chưa nhiều. Năm nay, số lượng, chất lượng tác phẩm tăng lên đáng kể, nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về mặt tư tưởng.

Hình thức, chất liệu sử dụng để sáng tác các tác phẩm cũng đa dạng, phong phú hơn. Về hội họa, chất liệu sơn dầu, sơn mài được sử dụng nhiều. Về đồ họa, tranh khắc gỗ đen trắng phát triển mạnh và có nhiều tác phẩm đẹp. Về điêu khắc cũng có nhiều tác phẩm đáng chú ý tham dự…

Đặc biệt, triển lãm năm nay lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Nông, nhưng tỉnh đã thực hiện rất tốt các khâu chuẩn bị, công tác tuyên truyền, trưng bày… Mặt khác, đây là lần đầu tiên hơn 200 họa sĩ, nhà điêu khắc đến Đắk Nông tham dự triển lãm. Vì vậy, bản sắc văn hóa nơi đây sẽ tiếp thêm ý tưởng cho các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mới.

Công chúng yêu thích mỹ thuật đến tham quan Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 20 tại tỉnh ta. Ảnh: Gia Bình

PV: Qua triển lãm, ông đánh giá như thế nào về các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc của tỉnh Đắk Nông tham gia triển lãm lần này?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 20, tỉnh Đắk Nông có 26 tác phẩm của 26 tác giả tham dự. Về mặt hình thức, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã lột tả được ý tưởng nghệ thuật thông qua hình tượng cuộc sống bình dị của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết các tác phẩm đều có bố cục, nội dung, hình khối, hình thức thể hiện tốt. So với các tỉnh thành khác thì mỹ thuật Đắk Nông chỉ đang trong giai đoạn hình thành, song không vì thế mà đánh giá thấp. Tại các cuộc triển lãm của khu vực cũng như toàn quốc, một số tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đắk Nông đạt giải thưởng và được giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, các họa sĩ, nhà điêu khắc Đắk Nông cũng cần trau dồi, học hỏi, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật trong nước cũng như thế giới nhiều hơn nữa, làm phong phú cho nền mỹ thuật tỉnh nhà, góp phần tạo thêm sự đa dạng cho vườn hoa mỹ thuật nước nhà thêm khoe sắc. Với những gì đã đạt được, tôi khẳng định, mỹ thuật Đắk Nông trong tương lai sẽ vươn lên tầm cao mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật miền Đông Nam bộ có bước phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO