Một thời để nhớ

Mạnh Hùng| 18/06/2015 16:28

Thấm thoắt mới đó mà đã gần 12 năm, những người làm báo chúng tôi có mặt trên vùng đất mới Đắk Nông. Nói sao cho hết những khó khăn, vất vả của buổi ban đầu, nhưng cũng đã đọng lại trong mỗi chúng tôi bao kỷ niệm về một thời cùng nhau đồng cam cộng khổ, tin tưởng vào tương lai, yên tâm bám trụ, để luôn hoàn thành nhiệm vụ, ngày càng vững bước đi lên.

ADQuảng cáo

Có thể nói, vào thời điểm trước năm 2004, vùng đất phía Nam sông Sêrêpốk đối với những người làm báo không phải xa lạ gì. Chúng tôi vẫn thường có mặt ở ngay tận nơi xa nhất của tỉnh như Đắk R’lấp để nắm bắt thông tin, chuyển tải trên mặt báo.

Thế nhưng, vào cuối năm 2003, khi cơ quan họp, thông báo danh sách những người được tổ chức phân công, điều động về công tác tại tỉnh mới Đắk Nông, trong mỗi chúng tôi ai nấy đều hơi bất ngờ, không tránh khỏi chạnh lòng, buồn vui xen lẫn âu lo.

Âu đó cũng là tâm trạng bình thường của mỗi con người khi đứng trước một sự thay đổi lớn lao nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, gạt qua một bên những băn khoăn, lo lắng ban đầu, chúng tôi nhanh chóng bắt tay ngay vào việc để tính toán, sắp xếp, định hình cho việc ra đời tờ báo mới với tên gọi Báo Đắk Nông như hôm nay.

Công nhân Nhà in Đắk Nông kiểm tra sản phẩm sau in. Ảnh: Lê Tuấn

Đúng vào chiều 24/12/2003, sau khi được “đả thông tư tưởng”, đoàn tiền trạm của báo do đích thân đồng chí Tổng Biên tập dẫn đầu lên đường xuống Gia Nghĩa để tìm hiểu tình hình, thu thập thông tin chuẩn bị cho việc ra số báo đặc biệt đầu tiên chào mừng sự kiện thành lập tỉnh.

Sát nút như vậy, nhưng đúng vào ngày 1/1/2004, khi tỉnh long trọng tổ chức lễ công bố thành lập tỉnh mới thì Báo Đắk Nông số đầu tiên cũng đầy đủ những thông tin cần thiết đã ra mắt bạn đọc, góp phần cho ngày lễ thêm phần ý nghĩa. Tiếp ngay sau đó, tuy đã cận tết, nhưng Báo cũng đã hạ quyết tâm và ra được số báo mừng Xuân Giáp Thân không kém phần hoành tráng. Sau tết, cũng như bao cơ quan, đơn vị vào thời điểm đó, Báo đã thuê một căn nhà gỗ trên đường Nguyễn Văn Trỗi để vừa làm việc, vừa làm nơi ăn, chốn ở cho cả cơ quan. Vậy là căn nhà đơn sơ đó đã trở thành “bản doanh” đầu tiên của Báo Đắk Nông trong những ngày đầu về với vùng đất mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2004, Báo chỉ mới xuất bản mỗi tuần một kỳ. Chỉ vậy thôi, nhưng để ra được đúng kỳ và “lấp” đầy 8 trang báo là vấn đề không đơn giản chút nào khi cả cơ quan từ lãnh đạo cho đến nhân viên chỉ vỏn vẹn khoảng 10 người, với vài chiếc máy vi tính.

ADQuảng cáo

Thời kỳ đầu, đội ngũ cộng tác viên chưa có, Phòng phóng viên -“xương sống” của tờ  báo cũng chỉ có 4 người nên từ lãnh đạo phòng cho đến phóng viên phải thay nhau đi họp, rồi đi cơ sở, chạy tin, chạy bài bở cả hơi tai. Vào ngày nghỉ cuối tuần, về nhà tưởng để được gần gũi, vui chơi với vợ con, nhưng ai nấy cũng lại hì hụi bên máy vi tính lóc cóc gõ để làm sao sáng thứ hai xuống là có một lượng tin bài kha khá, đủ cho báo có thể lên trang.

Phòng xuất bản, gọi cho oai vậy thôi chứ lúc đó cũng chỉ có 4 người, vậy mà phải làm không biết bao nhiêu công việc “bếp núc”, đảm bảo cho báo luôn ra đúng kỳ, đúng hạn. Không ít đêm cả cơ quan thức đến khuya để làm việc, người thì viết, người thì biên tập tin bài, người trình bày ma-két, dò lỗi chính tả…Dưới ánh đèn điện lờ mờ, mái đầu bạc chụm bên mái đầu xanh.

Vào thời điểm đó ở Gia Nghĩa lại không có nhà in, nên sau khi dàn trang xong, có lúc đến tận khuya, đích thân đồng chí Phó Tổng biên tập phải ôm tất cả bản thảo ra quốc lộ 14 đón xe đò về tận Đắk Lắk để nhờ báo bạn "lên khuôn", rồi đưa ra nhà in. Chúng tôi thường nói đùa với nhau là chúng ta cũng đang “bốn cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và…cùng khổ như nhau.

Trong 6 tháng cuối năm 2004, báo xuất bản tăng mỗi tuần một kỳ, nhưng cũng phải cử người đưa qua tận Bình Phước để in. Đến gần cuối năm, Báo được phân 4 căn phòng ở khu nhà công vụ để làm trụ sở, lại tuyển thêm đội ngũ làm chuyên môn, tỉnh đã có nhà in nên công việc dần đi vào nền nếp, ổn định hơn. Đây cũng là cơ sở để Báo có thể mạnh dạn từ đầu năm 2005 xuất bản được mỗi tuần 3 kỳ.

Quả thật, bây giờ nghĩ lại, vào thời điểm đó, chúng tôi cũng chưa thể hình dung được Báo Đắk Nông lại có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng, hình thức, nội dung theo xu thế truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Không dừng lại ở 3 kỳ/tuần, từ năm 2010 đến nay, Báo đã phát hành 5 kỳ/tuần với số lượng nhiều hơn, đồng thời chuyển từ in đen trắng sang in màu.

Bắt đầu từ năm 2012, Báo lại tiếp tục xuất bản báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với 8 trang in màu rất bắt mắt, được bà con đón nhận như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa. Trang báo điện tử cũng được khai trương vào ngày 23/3/2009, đến nay đã có sự phát triển lớn mạnh, hàng ngày đưa nhiều tin bài có tính thời sự cao để đáp ứng công tác tuyên truyền và nhu cầu bạn đọc, với hơn 20.000 lượt người truy cập/ngày. Truyền hình Internet Báo Đắk Nông cũng “phát sóng”, cập nhật thông tin hàng ngày, có phóng sự, có chuyên mục “sự kiện-vấn đề” hàng tuần hẳn hoi, thực sự góp thêm một “món ăn tinh thần” cho khán giả gần xa.

Hòa nhịp cùng với tỉnh nhà, qua 12 năm xây dựng và phát triển, cuộc sống, điều kiện làm việc đã khác hơn trước rất nhiều, nhưng đối với mỗi chúng tôi-những người có mặt đầu tiên ở Báo Đắk Nông có lẽ sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm vui buồn trong những ngày đầu gian khó ấy. Trong khó khăn chung, cũng như bao cán bộ, công chức của tỉnh nhà, chúng tôi đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau tôi luyện vốn sống, vốn hiểu biết và bản lĩnh nghề nghiệp để ngày càng trưởng thành, vững bước đi lên, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thời để nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO