Một thoáng Đông Bắc (Kỳ 3): Hành trình về nguồn

Ghi chép: Văn Tâm| 07/10/2016 10:40

Đến Cao Bằng trong tâm thế của những người con phương Nam hành hương về nguồn, chúng tôi dành trọn thời gian để đi thăm, tìm hiểu những dấu tích lịch sử thiêng liêng của vùng đất là một trong những cái nôi cách mạng.

ADQuảng cáo

Thiêng liêng Di tích Pắc Bó

Đến Cao Bằng, nơi chúng tôi hướng đến đầu tiên là Khu di tích lịch sử Pắc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Sau một đêm nghỉ chân, mới sáng sớm nhưng không khí trong đoàn đã khá nhộn nhịp, không ai bảo ai, mọi người đã tập hợp chỉnh tề, chuẩn bị đầy đủ hoa, trái cây để viếng thăm Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử Pắc Bó. Từ thành phố Cao Bằng, đi theo đường Hồ Chí Minh khoảng 55 km, Pắc Bó là điểm đầu, nơi đặt cột mốc số 0 của tuyến đường này.

Cảnh ruộng bậc thang nhìn từ cổng chính của Đền thờ Bác Hồ

Trên đường vào trung tâm Khu di tích Pắc Bó, chúng tôi lên viếng Đền thờ Bác Hồ tọa lạc trên đồi Pò Tếng Chấy. Trong khói hương thơm thoảng bay, ngước nhìn tượng Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản được tạc bằng đồng uy nghi đặt nơi trang trọng nhất ở gian chính điện. Phía trên là bức hoành phi với 4 chữ "Hồng nhật cao minh" (mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng), xung quanh là 4 bức phù điêu bằng đá hồng ngọc, hai bên là câu đối: "Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pắc Bó. Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng" do Giáo sư Vũ Khiêu đề bút.

Từ Đền thờ Bác, theo lối mòn đi vào trung tâm Khu di tích lịch sử Pắc Bó. Vừa qua hết những khóm nhà, ruộng lúa xanh mơn mởn của người dân bản Pắc Bó đã thấy dáng núi Các Mác uy nghiêm soi bóng xuống dòng suối Lênin xanh biếc. Chỉ đợi có thế, mọi người đã ào xuống để được chạm tay vào dòng nước thiêng liêng này.

Khi bắt đầu chuyến hành trình về nguồn này, qua tài liệu hướng dẫn, ngoài hang Cốc Pó, chúng tôi quyết tâm đi thăm bằng hết các địa điểm như: Lán Khuổi Nặm, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc và các hang Diêm Tiêu, hang Slí Điếng… Cũng may những ngày này thời tiết khô ráo nên chúng tôi gần như đã thực hiện được ý nguyện của mình.

Núi Các Mác, suối Lênin (Pắc Bó) - nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng từ  năm 1941 - 1945

Hòa vào dòng người từ nhiều tỉnh, thành về viếng thăm Pắc Bó, men theo những bậc đá đến đầu nguồn suối Lênin rồi lần theo lối mòn lên thăm lán Khuổi Nặm. Lán Khuổi Nặm nằm dưới một chân đồi, rừng cây rậm rạp, bên dòng suối nhỏ. Mái lá được che phủ bởi một cây cổ thụ rũ bóng. Căn lán nhỏ làm theo kiểu nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12m2, mái lợp tranh, vách được làm từ lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa). Sàn được kết từ cây gỗ, một phần lán nhô ra bờ suối. Trong mỗi chúng tôi, ai nấy cũng cảm thấy bồi hồi trước những dấu tích của Bác ngày xưa còn lưu lại ở nơi này.

ADQuảng cáo

Căn lán nhỏ, đơn sơ nhưng chính nơi đây Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 8 với những quyết định cực kỳ quan trọng gồm: Thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Cũng tại nơi đây, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/8/1941. Tính từ đó cho đến số báo cuối cùng ra ngày 20/8/1945, tờ báo đã xuất bản được 126 số, hoàn thành một cách vẻ vang vai trò tuyên truyền cách mạng của mình.

Lán Khuổi Nặm, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc trong những ngày đầu về nước hoạt động

Tình đất, tình người Cao Bằng

Cao Bằng là một tỉnh biên cương cực Bắc của Tổ quốc, một vùng đất  trùng điệp núi non, phong cảnh hữu tình, nhiều địa danh lịch sử, sản vật nổi tiếng... Về với Cao Bằng, tình đất, tình người và hồn thiêng sông núi như hòa quyện vào nhau thắm đậm tình non nước.

Những ngày ở Cao Bằng, chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, phong cảnh núi non hùng vĩ, gặp những người bạn mới quen mà đã thân thuộc, thâm tình như xa nhau nhiều năm gặp lại.

Anh Lâm Chính Hữu, một người chúng tôi gặp gỡ từ ngày đầu đến thành phố này bộc bạch: “Trong vài ngày các bạn có thể đi thăm hết cảnh trí, đời sống con người nơi đây, nhưng để cảm nhận, hòa mình được với phong thổ, tâm tình người Cao Bằng thì tôi nghĩ cần có một thời gian nhất định”.

Quả thật vậy, bởi mỗi ngày ở Cao Bằng đều cho ta những điều mới lạ ví như đỉnh núi, ngọn thác nhuộm thắm sắc cầu vồng, luôn cuốn hút, gợi mở, dẫn lối cho khách đi đến những cảnh tượng nên thơ, thắm đượm tình non nước ở Cao Bằng. Chính điều này cho tôi hiểu hơn về xứ sở mà “Ai đi đến đó chẳng mong ngày về”, câu ca này hàm chứa tất cả những tinh tế đó.

Không những thế đến với Cao Bằng, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn mang hương vị đậm đà của núi rừng, của tình người nồng ấm nơi đây. Chỉ cần thưởng thức bánh cuốn nóng chan nước canh xương và phở chua, bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Và bữa ăn nào cũng có hai món này. Bánh cuốn là món chế biến đơn giản, món ăn ngày thường và phở chua là món để đãi khách có vẻ cầu kỳ hơn. Hai món ăn, một đơn giản, một cầu kỳ mới thấy người Cao Bằng đối với khách luôn trọng thị nhưng bằng tấm lòng chân tình, dân dã mộc mạc của người vùng cao mến khách.

Ngày chia tay, anh Hữu và những người bạn đồng nghiệp Báo Cao Bằng cứ lưu luyến, không muốn rời. Vào xe rồi, anh Hữu vẫn còn nắm tay tôi xúc động lặp đi, lặp lại câu nói: “Đất Cao Bằng không có gì, người Cao Bằng chỉ có vậy…”. Bất chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Y Phương được phổ nhạc theo điệu sli lượn: “Người Cao Bằng mời rượu cả chum, mời quả cả cây... Tin nhau không nói nhiều lời... Khi xa rồi vẫn nhớ”… Xe đã bon bon vượt đèo rời Bảo Lạc, huyện cuối cùng giáp ranh giới Hà Giang, nhưng lòng chúng tôi vẫn lâng lâng cảm xúc dâng trào khó tả...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thoáng Đông Bắc (Kỳ 3): Hành trình về nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO