Một thoáng Đông Bắc (Kỳ 2): Ngày mới ở Lạng Sơn

Ghi chép: Kim Ngân| 30/09/2016 10:09

Trong tiết đầu thu, miền Đông Bắc như có thêm những ngày nắng ấm và mưa cũng thưa hơn. Dọc theo tuyến đường 4B khúc khuỷu, chúng tôi đi qua miền Đông Bắc của Tổ quốc, một miền di sản, với những đền miếu cổ kính, những địa danh nổi tiếng, qua những làng bản còn đậm bản sắc của đồng bào dân tộc ít người bản địa …

ADQuảng cáo

Phố cổ Lạng Sơn trong buổi sớm mai khá yên ắng. Trong khoảng không gian tĩnh mịch, cột cờ núi Phai Vệ nhô cao trên bầu trời thành phố, như một nhân chứng của dòng chảy thời gian. Bất chợt tiếng chuông chùa Cửa Đông rền vang, làm lay động màn sương lãng đãng trên mặt sông Kỳ Cùng. Một ngày mới bắt đầu.

Tôi đón buổi sớm mai ở miền địa đầu của Tổ quốc với tâm trạng phấn chấn khi được hít thở, bước đi trên vùng đất xứ Lạng cổ kính. Buổi sớm của một ngày bình thường, nhưng vẫn thấy người dân từ các ngõ phố đến các đền, chùa đi lễ.

Theo một người dân gần đền Cửa Đông, nơi thờ quan lớn Đệ Tam ở phố Cửa Đông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn thì như thành thói quen, sáng nào người ta cũng đi lễ đền, nhưng vào ngày rằm, mồng 1, người đến dâng lễ đông hơn.

Chùa Tam Thanh ở thành phố Lạng Sơn

Một năm có 365 lễ hội

Lạng Sơn là nơi sinh tụ của các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay,... cũng là quê hương của biết bao lễ hội truyền thống hấp dẫn, thú vị. Trải qua hàng nghìn năm dựng làng, giữ nước, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa phong phú và đa dạng. Từ chiếc nôi văn hóa dân tộc ấy, lễ hội Lạng Sơn luôn được nhìn nhận như một thành tố quan trọng với những nét riêng và độc đáo.

Đón tiếp chúng tôi, ông Hoàng Đình Hôm, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn cho biết: “Những ngày này, Lạng Sơn đang có nhiều lễ hội. Lễ hội Lạng Sơn không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về nội dung, loại hình. Hiện nay, Lạng Sơn có trên 365 lễ hội dân gian với tính chất, quy mô lớn, nhỏ khác nhau”. Một đồng nghiệp tại báo địa phương nói vui: “Với 365 lễ hội trong một năm, chúng tôi mở mắt ra là bước vào lễ hội”.

Lễ hội ở xứ Lạng thường được tổ chức  từ tháng chín đến tháng tư âm lịch hàng năm và tập trung nhiều nhất là vào mùa xuân. Các lễ hội tại địa phương đều mang nội dung xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử, các lễ hội Lạng Sơn còn chứa đựng giá trị văn hóa - du lịch sâu sắc.

Đơn cử, lễ hội đền Bắc Lệ là tín ngưỡng thờ Mẫu điển hình, được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm có các phần lễ chính như: Lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng.

Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân... bằng giấy. Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong, người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế.

Đây là dịp để du khách phương xa tham quan, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Trong ý thức của người dân xứ Lạng, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm. Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhà đền tổ chức ăn uống tại đền.

ADQuảng cáo

Đến nay, người dân chỉ tổ chức vào buổi chiều ngày 20, mọi người cùng tập trung dùng đại tiệc với quan niệm "một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần". Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trong và ngoài nước với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu - người mẹ linh thiêng của dân tộc.

Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch trở đi, người dân xứ Lạng còn liên tục tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Bủng Kham, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nàng Hai, lễ hội Phài Lừa (bơi bè), lễ hội Ná Nhèm (lễ hội Mặt Nhọ), lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa, lễ hội chùa Tam Thanh…

Một ngày làm du khách

Đến Lạng Sơn mọi người muốn đi xem lễ hội, thăm động Tam Thanh và nhiều di tích khác. Nhưng du khách còn háo hức, mong ngóng được đi mua sắm tại các chợ biên giới. Không rõ từ lúc nào, người ta đã truyền tụng câu "Đến Lạng Sơn mà chưa đi chợ thì vẫn chưa biết Lạng Sơn". Cái thú đi mua sắm hàng hóa đã thật sự hấp dẫn du khách và nó đã thành “thương hiệu”, góp phần hình thành thế mạnh cho du lịch Lạng Sơn.

Du khách chọn mua đồ ở chợ đêm Kỳ Lừa

Lạng Sơn có ba chợ được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu là chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa và chợ biên giới Tân Thanh. Du khách đến chợ Tân Thanh như vào “mê hồn trận”. Nếu là người thích mua sắm thì đây là địa chỉ rất hấp dẫn. Trong chợ, cả người Việt và người Hoa cùng bày hàng ra bán.

Tuy nhiên, trước khi đi chợ mua sắm, hầu hết du khách đều được nhắc nhở phải cẩn thận kẻo dễ bị mắc lừa, mua giá cao. Người bán hàng ở đây có tiếng là nói thách giá rất cao. Ở chợ, việc rao “giá ảo”  như là  “trò chơi” không còn lạ giữa người bán và người mua.

Chẳng hạn một chiếc áo dạ phụ nữ được người bán rao giá 1,8 triệu, nhưng chị bạn của tôi trả giá xuống còn 700 ngàn cũng bán. Chính vì thế, nếu đi chợ Tân Thanh, người mua hàng cần chuẩn bị tâm lý cho thật vững để “đấu trí” với những người bán hàng nơi đây.

Nhiều người cũng thuộc dạng "cao thủ mua sắm" nhưng khi mua xong, về mới biết đã mua đắt hơn giá cùng loại hàng bán ngay quầy bên cạnh. Có những món hàng nhỏ như dao cạo râu, đèn pin, móc khóa… có giá 10.000 – 15.000 đồng, nhưng khi trả giá thấp hơn, người ta vẫn bán khiến người mua cảm thấy hoang mang.

Theo như một người bạn thông tin thì chợ này, hàng loại nào cũng có. Người không rành rất khó đánh giá đúng chất lượng món hàng mình định mua giữa "mê hồn trận" của hàng hóa và khả năng "chiều" khách của chủ hàng.

Sau một vòng đi thăm mảnh đất địa đầu, bạn mời cơm ở một quán ăn nơi cửa khẩu. Món ăn vẫn là các sản vật của Lạng Sơn đậm đà, bình dị như: khoai môn Lệ Phố, vịt quay xứ Lạng, rượu Mẫu Sơn êm mát, cải ngồng, khâu nhục, thịt trâu, phở chua, canh cá lá dăm, gà đen. Đó là những đặc sản với cách chế biến đậm chất ẩm thực xứ Lạng, pha lẫn kỹ thuật nấu nướng của người Hoa.

Thời gian ở Lạng Sơn đã để lại cho chúng tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau, trong đó, tình cảm của người xứ Lạng  và hình ảnh phố cổ bên dòng sông Kỳ Cùng luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một thoáng Đông Bắc (Kỳ 2): Ngày mới ở Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO