Một lần về thăm Di tích Trường Dục Thanh

Ghi chép của Nguyễn Hiền| 30/04/2016 11:10

Trong lần đến TP. Phan Thiết (Bình Thuận) mới đây, chúng tôi đã có dịp đến thăm Di tích Trường Dục Thanh-nơi Bác Hồ từng sống và dạy học. Được tận mắt chứng kiến, trong chúng tôi ai cũng dâng trào bao cảm xúc bồi hồi, xúc động, xen lẫn tự hào.

ADQuảng cáo

Dấu ấn thầy giáo Nguyễn Tất Thành

Từ thời học sinh, trong các tiết lịch sử, tôi đã biết đến Trường Dục Thanh là nơi mà Bác Hồ đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Không như tưởng tượng của tôi, Trường Dục Thanh hiện ra trước mắt với các dãy nhà đơn sơ, giản dị, bao bọc xung quanh là vườn cây yên bình. Dẫn đoàn chúng tôi là anh đồng nghiệp Báo Bình Thuận. Mặc dù không chuyên nghiệp như hướng dẫn viên nhưng qua anh, chúng tôi cũng nắm được rất nhiều thông tin về ngôi trường.

Khuôn viên Di tích Trường Dục Thanh

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông-một nhà thơ yêu nước ở làng Thành Đức, nay là số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất hồi bấy giờ, do 2 con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Trường Dục Thanh vào cuối tháng 8/1910, khi đó có khoảng 60 học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất, với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất, chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn. Cùng với dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên qua từng buổi học.

Vào tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn và xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Những tháng ngày dạy học tại Trường Dục Thanh ở thành phố biển Phan Thiết tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.

Sau khi ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên Trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912. Đến năm 1978-1980, Trường Dục Thanh đã được trùng tu, tôn tạo lại nguyên gốc như trước dựa trên những ký ức, kỷ niệm của các cụ là học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy. Đến năm 1986, khu Di tích Trường Dục Thanh được Nhà nước  xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.

“Bác như vẫn sống nơi này”

ADQuảng cáo

Mặc dù tiết trời khá nắng nóng, nhưng ngay khi bước vào cổng trường, chúng  tôi có cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi lạ thường. Hình ảnh bắt gặp đầu tiên là một lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị. Trong phòng học là 21 bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành 3 dãy ngăn nắp.

Trong phòng học còn có 2 cái bảng đen phía 2 bên lớp học và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài. Tại đây, không chỉ tôi mà những đồng nghiệp khác ai cũng muốn lưu lại thật lâu như thể mong được làm học trò nhỏ của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Phía bên phải gian phòng học là Nhà Ngư, làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh Trường Dục Thanh. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào-là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng đọc sách báo, soạn bài.

Chúng tôi càng xúc động hơn khi nhìn thấy các hiện vật từng gắn bó với Bác như bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, khay và ly uống nước. Ngoài việc được xem những hiện vật gắn liền với Bác ở các dãy phòng, chúng tôi còn được tham quan, ngắm nhìn những hình ảnh, hiện vật gắn liền với Bác trong khuôn viên di tích.

Bộ bàn ghế nơi Bác soạn bài và đọc báo

Ấn tượng nhất là giếng nước mát lịm, nhỏ nhắn được xây bằng gạch ở phía sau Ngọa Du Sào. Bên cạnh giếng nước là vườn cây xanh hoa lá được chăm sóc cẩn thận. Cây khế cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm vẫn xanh tốt, um tùm lá hoa. Theo lời anh đồng nghiệp thì ngày xưa Bác là người thường xuyên tưới nước và chăm sóc cho cây nên người dân nơi đây thường gọi là cây khế Dục Thanh, cây khế Bác Hồ. Tiếp đến là vườn cây vú sữa vươn mình trong gió như muốn che chở, ôm ấp cả ngôi trường.

Ngoài ra, trong khu di tích còn nhiều loại cây như cây si được trồng năm 1979, các dãy cây được cắt tỉa gọn gàng. Tất cả hiện vật, cây cối tạo cho ngôi trường cảm giác thân thiện, gần gũi. Vì vậy, đối với người dân Bình Thuận thì Trường Dục Thanh không đơn thuần chỉ là một ngôi trường mà còn được xem như cái nôi của tinh thần hiếu học và tình yêu quê hương đất nước. Để tưởng nhớ và giáo dục thế hệ trẻ, các đoàn thể, trường học vẫn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh đến thăm. Hàng năm, trường đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Riêng đồng nghiệp của tôi, ai cũng muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh ở khu di tích như một niềm tự hào khi một lần được đến đây. Mỗi người mỗi cảm xúc, nhưng có lẽ ai cũng cảm thấy  “Bác như vẫn sống nơi này”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lần về thăm Di tích Trường Dục Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO