Một lần về thăm Đất Tổ

Tường Mạnh| 25/04/2015 09:40

Trong một lần có dịp qua miền Tây Bắc, trên đường về xuôi, chúng tôi đã ghé thăm Phú Thọ - Phong Châu, vùng Đất Tổ thiêng liêng từ ngàn đời nay của những người con nước Việt, nằm bên bờ sông Thao thơ mộng, hữu tình. Về với Đất Tổ, khi đến dâng hương Đền thờ Mẫu Âu Cơ và Đền thờ các Vua Hùng, trong chúng tôi ai cũng trào dâng bao cảm xúc thiêng liêng khó tả.

ADQuảng cáo

Từ đền Mẫu Âu Cơ

Theo các bạn đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ thì có một di tích lịch sử đặc biệt mà nhiều đoàn khách từ Trung ương cho đến các địa phương khi đến Phú Thọ luôn đến dâng hương trước, đó là khu Đền Mẫu Âu Cơ-vị tổ tiên có vị trí rất lớn trong lịch sử dân tộc và trong tâm linh của người dân đất Việt.

Vậy là, từ TP. Việt Trì - thủ phủ của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi còn phải đi khoảng 80 km nữa mới đến được khu Đền Mẫu Âu Cơ nằm ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Trên đường đi, khung cảnh làng quê miền trung du Bắc bộ thật yên bình, thơ mộng, hữu tình.

Đặc biệt, nơi Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc thật đẹp, nằm trên một vạt đồi bằng phẳng, rộng hơn 3 ha, được xem là nơi tụ hội khí thiêng trời đất, xa xa phía trước có dãy núi Giác làm án, sau lưng có vòng cung sông Thao làm long.

Trên ngọn đa cổ thụ ở Đền Mẫu Âu Cơ hiện vẫn còn có dải yếm vắt ngang được cho là của Mẫu Âu Cơ đánh rơi khi về trời

Theo truyền thuyết, khi chia tay với đức Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con trai đi ngược sông Thao lên miền ngược, đến trang Hiền Lương thấy phong cảnh hữu tình mới dừng lại dạy dân làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bồi đắp đường sá, bắc cầu, đào giếng lấy nước sạch ăn uống… Chừng mọi nhà đã biết làm ăn thành thạo, trở nên ấm no, khá giả rồi, Mẫu mới quyết định bay về Trời.

Để tránh khó khăn lúc chia tay, Mẫu nhờ thần thánh làm ra mưa to, gió lớn lúc nửa đêm ngày 25 tháng Chạp, rồi đằng vân. Mẫu vội vàng đến nỗi đánh rơi dải yếm vương vào ngọn đa cổ thụ cạnh giếng Loan và giếng Phượng.

Sáng hôm sau, dân trang không thấy Mẫu đâu nữa, rất lo lắng bổ đi tìm. Gần trưa, mọi người nhìn lên ngọn đa thấy có dải yếm vắt ngang, họ hiểu ra là Mẫu đã về Trời. Dân trang liền lập đền thờ Mẫu ngay dưới tán đa, định lệ cầu cúng một năm hai lần vào ngày Tiên giáng mồng 7 tháng Giêng và ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp ta.

Thời phong kiến, các triều đại đã viết ngọc phả, sắc phong Âu Cơ Mẫu Vương. Năm 1991, Nhà nước ta đã công nhận Đền thờ Mẫu Âu Cơ là di tích lịch sử quốc gia. Cuối năm 1998, Nhà nước cấp kinh phí sửa chữa 5 gian đền cũ làm hậu cung và xây dựng thêm 5 gian đại bái bằng gỗ tứ thiết vận chuyển từ Quảng Bình, Hà Tĩnh ra.

Năm 2007, Nhà nước kiến thiết lại toàn bộ Đền, nới rộng đại bái thành 7 gian như hiện nay. Trong khu Đền Mẫu Âu Cơ hiện có các kiến trúc chính như: Đền thờ Mẫu Âu Cơ dưới tán đa cổ thụ, Miếu Cô, Đền Mẫu Thượng Thiên, Nhà Tả mạc, Nhà Hữu mạc, Ao sen, giếng Loan, giếng Phượng, Nhà lưu niệm, Nhà khách, Vườn cây…

Điều đặc biệt là xung quanh khu Đền Mẫu Âu Cơ hiện nay có hàng trăm loại cây quý như ngọc lan, bồ đề, đa đỏ, tùng la hán…do các đoàn đại biểu cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở Trung ương, các địa phương cũng như cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi về thăm đã trồng lưu niệm.

Lật qua vài trang trong cuốn sổ vàng lưu niệm tại Đền, chúng tôi thấy nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi ghi lại cảm tưởng của mình đều khẳng định: Đền Mẫu Âu Cơ có một vị trí hết sức thiêng liêng, ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với sự trường tồn của dân tộc, đất nước Việt Nam ta.

ADQuảng cáo

Đến khu di tích lịch sử Đền Hùng

Đã nghe nói nhiều, nhưng cho đến khi được tận mắt chứng kiến, quả thật chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vị trí, quy mô của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Theo các bạn đồng nghiệp giới thiệu thì khu di tích nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng) ở xã Hy Cương, cách trung tâm TP. Việt Trì khoảng 7km, là nơi thờ cúng các Vua Hùng và những nhân vật liên quan, bao gồm các công trình kiến trúc: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Chùa Thiên Quang, cột đá thề, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Bảo tàng Hùng Vương.

Du khách dâng hương tại Đền Hùng. Ảnh: Phan Tuấn

Muốn đến được các khu đền thờ, tất cả mọi người đều phải đi bộ leo lên cả nghìn bậc đá hoặc bậc xây bằng gạch, uốn lượn theo những hàng cây xanh mát, có những cây đại thụ vài người ôm. Vậy là từ chân núi Nghĩa Lĩnh rẽ qua Ðại môn (cổng đền), chúng tôi leo hết gần 300 bậc thang xây bằng gạch mới lên đến Đền Hạ với kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm tiền bái và hậu cung. Tương truyền nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con.

Trước cửa Đền Hạ có cây thiên tuế, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã nói chuyện với chiến sĩ của Đại đoàn quân tiên phong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Từ Đền Hạ, chúng tôi tiếp tục leo thêm khoảng 200 bậc đá nữa mới tới Đền Trung, có kiến trúc kiểu chữ nhất, gồm 3 gian. Tương truyền nơi đây các Vua Hùng cùng Hùng hầu, Hùng tướng thường ngắm cảnh, họp bàn việc nước và cũng là nơi Vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.

Từ Đền Trung đi tiếp hơn 100 bậc đá là tới Đền Thượng hay còn gọi là Kính thiên lĩnh điện (điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tại đây, các Vua Hùng đã thực hiện những nghi thức tế lễ Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm các tòa: nhà chuông trống, đại bái, tiền tế và hậu cung. Nằm ở phía đông Đền Thượng là Lăng Hùng Vương-phần mộ của Vua Hùng thứ 6.

Tương truyền, trước khi qua đời, nhà vua có dặn hãy chôn người trên núi cao để trông nom bờ cõi cho con cháu. Ngay phía trước lăng là Cột đá thề, tương truyền là nơi Thục Phán An Dương Vương khi được Vua Hùng nhường ngôi đã thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc và đời đời hương khói tổ tiên.

Đi qua hàng trăm bậc đá mới đến Đền thờ các Vua Hùng

Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp một nhóm người mà nghe qua giọng nói thì biết là tận miền Nam ra, trong đó có một bà cụ phải chừng 80 tuổi, nhưng vẫn lặng lẽ kiên trì chống gậy leo lên từng bậc đá.

Có người trong nhóm bảo chỉ nên dừng lại ở Đền Hạ, nhưng bà cụ gạt phắt: “Từng này tuổi, lần đầu tiên được về thăm đất Tổ, lên đây dâng hương Vua Hùng thì bà mãn nguyện lắm rồi. Vì vậy, dù có cao, có nhiều bậc đến mấy, phải đích thân bà leo lên, thắp hương đầy đủ thì mới tỏ lòng thành kính được”.

Các bạn đồng nghiệp cho biết, vào thời điểm chúng tôi đến đã qua mùa lễ hội nên có phần hơi vắng, chứ đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm thì đông lắm, người hành hương đi trẩy hội đông nghìn nghịt, chen chân không lọt. Nhiều cụ già tuổi cao, nhưng vẫn kiên nhẫn vượt qua cả nghìn bậc, đến thắp hương tất cả các điện thờ trong khu di tích, không bỏ qua chỗ nào. Thế mới biết, con dân đất Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Đất Tổ, thành kính tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên, tự hào về cội nguồn dân tộc như thế nào.

Đứng trước các điện thờ, thành kính dâng nén hương thơm, mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng có lẽ, mỗi người con đất Việt đều cầu mong Mẫu Âu Cơ, các Vua Hùng phù hộ cho đất nước luôn hòa bình, toàn dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc, mãi trường tồn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lần về thăm Đất Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO